Clip "con đứng lên ghế tàu điện, mẹ cãi nhau với hành khách" gây tranh cãi
(Dân trí) - Sự việc xảy ra trên một chuyến tàu ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào hôm 9/2 đã lan truyền cực mạnh trên mạng xã hội và làm dấy lên cuộc tranh cãi về vấn đề dạy con giữ gìn ý thức nơi công cộng.
Video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc từ hôm 9/2 cho thấy một đứa trẻ đứng lên ghế ngồi trên tàu điện, mẹ của đứa trẻ nhìn thấy vậy nhưng mặc kệ, dường như không hề cảm thấy cần nhắc nhở con ngồi xuống.
Vì chuyện này, một hành khách đã lên tiếng dẫn đến cuộc cãi cọ của hành khách với mẹ của đứa trẻ.
"Cô không thấy con tôi chỉ chiếm một chỗ thôi à? Tôi đã nhường ghế của tôi cho cô rồi, sao cô không ngồi đi?", người mẹ nói.
Trong khi đó, người phụ nữ trên cùng chuyến tàu nói đứa bé đứng lên ghế ngồi như vậy là bất lịch sự, "nếu cô không dạy nó thì để tôi dạy".
Sự việc sau đó được thông tin trên tờ The Paper là xảy ra trên Tuyến 8 của Tàu điện Thượng Hải.
Qua tìm hiểu của phóng viên The Paper, luật đường sắt trung chuyển hành khách Thượng Hải quy định hành khách không được phép bước lên ghế trong nhà ga và trên toa tàu.
Cư dân mạng sau khi theo dõi video về sự việc đã hướng nhiều lời chỉ trích tới người mẹ của đứa trẻ, cho rằng việc cô ấy không nhắc nhở con lại còn lớn tiếng tranh cãi với hành khách đi cùng khi bị nhắc nhở thể hiện rằng bản thân người mẹ chưa được giáo dục đến nơi đến chốn về nếp sống văn minh, ý thức giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản chung nơi công cộng. Một người mẹ với suy nghĩ, ý thức hạn hẹp như vậy sẽ khó lòng dạy bảo được con mình trở thành người trưởng thành có ý thức.
Mọi xã hội, tổ chức, cộng đồng người dù lớn hay nhỏ đều có những quy định, luật lệ chung được đề ra và cần tuân theo để cộng đồng đó được phát triển lành mạnh, công bằng, bền vững. Một sự việc rất nhỏ nhưng đã gây ra tranh cãi lớn khi vấn đề nó đặt ra là chúng ta nên giáo dục con cái thế nào để chúng lớn lên trở thành công dân "chuẩn 10" và bản thân mỗi người lớn đã thực sự có ý thức cộng đồng, được giáo dục tốt hay chưa, đủ dũng cảm để tiếp thu những góp ý tiêu cực về bản thân chưa hay sớm để mình rơi vào tâm lý "thẹn quá hóa giận" mà hành động thiếu hợp lý ngay trước mặt con trẻ.