Chuyện thị phi
(Dân trí) - Cái phố bé tí tẹo mà cũng nhiều chuyện, lắm tin đồn, đa phần là từ mấy bà cơm no ấm cật, hết khôn dồn đến dại, vãn chuyện nhà mình thì kiếm chuyện nhà người làm quà.
Từ tin “lão Sơn bị viêm gan B rồi dẫn đến ung thư gan sắp “đi” chứ chẳng phải bị ung thư xương đâu, bà Sơn phải giấu thế vì sợ người ta không dám đến ăn phở nhà bà ấy nữa...”, rồi đến chuyện nhà cô Hồng “chó đẻ một con”, cu Hoàng có nét nào của bố nó đâu, là đi “xin” đấy mà, đời nào thằng chồng cho đi xin giống hai lần, nên chỉ một đứa thôi.
Thế rồi làng trên xóm dưới xôn xao tin hôm Tết có một cô gái trẻ bế thằng bé mới hơn tuổi đến đòi ông bà Luận đưa tiền cho để nuôi đứa bé vì nó chính là con ông Luận. Vì chuyện đó mà cả nhà ông lo nghĩ lăn ra ốm. Quả tình hôm Tết nhà ông Luận ốm cả nhà thật. Nhưng nghe tin này nhà ông không ai là không tức giận.
Vậy mà bà Nhâm ra vẻ thân tình đến hỏi thẳng ông Luận có đúng là thế không khiến ông càng uất, quyết phải làm rõ ngô khoai những việc đặt điều vô căn cứ. Bà ú ớ khai bà nghe được tin từ ông Nghi ở cạnh nhà ông Luận.
Ông Luận liền đâm đơn kiện bà Nhâm lên phường, nêu ra bốn tội danh, 1: Chia rẽ hạnh phúc gia đình ông. 2: Gây mất đoàn kết nội bộ trong phường. 3: Tổn hại đến danh dự của cá nhân ông. 4: Ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm giữa ông và ông Nghi.
Ông Nghi kêu oan quá: “Tôi bị oan nhiều lần mà chẳng biết kêu ai, một lần còn hay tin có người nộp đơn tố cáo tôi lên công an phường, tôi lên tận nơi thì ông trưởng công an khẳng định là không hề có. Có lần ai đó còn kháy tôi về việc có ý muốn lật đổ để tranh chức trưởng phố, giờ thì đến chuyện vu vạ này”.
Mọi người bảo nhau, thôi thì cứ tin ông Nghi một nửa, còn lại hồi sau khắc rõ. Giả như ông Nghi có nói bằng thật, thì giờ “khẩu thiệt vô bằng”, chuyện “thối” như thế ai dám nhận là mình đưa chuyện.
Tối hôm đó tổ dân phố phải họp gần hai tiếng đồng hồ để làm rõ vụ việc. Ông Luận chỉ nói: “Tôi 71 tuổi đầu mà lại có con còn ẵm ngửa, các ông bà không thấy đó là chuyện phi lý à?”. Và sau đó ông Hoàn ở cạnh nhà ông Luận làm chứng, không hề có ai bế con đến nhà ông Luận hồi tết. Trưởng phố tuyên bố ông Luận không hề có con riêng và bà Nhâm phải xin lỗi gia đình ông Luận trước toàn thể mọi người.
Chuyện chưa xong bà Nhâm vẫn chẳng chừa, nhân thể mách tội cho bõ ghét: “Hôm phường tổ chức đi tham quan, bà Huệ đã ôm eo ông Tiến và ngồi lên đùi ông Nghi suốt đấy”. Bà Nghi bĩu môi, cười khẩy. Mọi người lao xao quát bà Nhâm vớ vẩn, đang chuyện nọ xọ chuyện kia.
Tất cả đang tranh luận ầm ĩ thì ông Luận xin có ý kiến, ông nói chậm rãi, nhấn nhả từng chữ rõ ràng khiến người nào liên quan thì tím mặt, còn người chứng kiến được phen hả hê: “Tôi nghĩ, ai mà có trót đặt điều, dựng chuyện gây nên tiếng xấu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác thì hãy mau ăn năn hối cải, sau này có chết đi may ra được mọi người đến thắp cho nén hương đưa tiễn, nhưng không phải tiễn về cõi niết bàn đâu, mà là dẫn về mười tám tầng địa ngục đấy. Vì bất kể ai ăn ở ác nghiệt, nói những lời có dã tâm thì không đời nào được an nghỉ nơi cõi niết bàn đâu…”.
Tự trọng còn sót lại khiến ai nấy đều phải ngẫm nghĩ, sau đó thấy các bà ít tụ tập với nhau, “làn sóng biển” yên ắng hơn một chút, mang bình an đến cho con phố nhỏ.
TSL