Chuyện nhặt được trẻ sơ sinh bỏ rơi: Niềm vui bất ngờ của vợ chồng hiếm muộn
Sau bao năm chạy chữa hiếm muộn, vợ chồng anh Duy tưởng chừng đang tuyệt vọng thì bất ngờ người mẹ đẻ của anh đã nhặt được bé gái sơ sinh bỏ rơi. Sau niềm vui bất ngờ này, gia đình anh mong muốn được nhận cháu bé làm con nuôi nếu như người thân bé không đến nhận.
Đi cho cá ăn nhặt được trẻ sơ sinh
Về thôn Phú An, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chúng tôi được người dân kể câu chuyện hi hữu về bà Phạm Thị Hải (SN 1962) và chồng là ông Vũ Văn Bi (SN 1961) làm nghề quản trang nhặt được một bé gái sơ sinh bỏ rơi ngay trước cổng nghĩa trang liệt sĩ xã Cao An.
Câu chuyện có thật như cổ tích này còn xúc động hơn khi chính vợ chồng người con trai cả của người quản trang sau đó làm đơn xin con nuôi vì bị bệnh hiếm muộn.
Có mặt tại gia đình bà Hải giữa buổi trưa muộn khi trong căn nhà cấp bốn giản đơn luôn ngập tràn những tiếng cười của họ hàng và tiếng ầu ơ ru con trẻ. Có lẽ, đã bao năm rồi căn nhà của gia đình bà mới đông vui như ngày hôm nay.
Bà Hải cho biết: “Đến giờ nghĩ lại sự việc tôi nhặt được đứa trẻ sơ sinh bỏ rơi ở trước cửa khu nghĩa trang liệt sĩ của xã như một giấc mơ. Lúc đó, tôi nghĩ là tiếng kêu của đàn dê, nhưng khi đến gần nhìn kỹ thì đó là đứa trẻ đang khóc do đói và lạnh. Thấy vậy, tôi đưa cháu về nhà và thông tin cho chính quyền địa phương”.
Theo lời kể, khoảng 19h30 ngày 18/9, bà ra khu ao cạnh nghĩa trang liệt sĩ của xã thì nghe thấy tiếng khóc của trẻ, thấy vậy bà nhìn xung quanh và phát hiện một trẻ sơ sinh được quấn trong chiếc khăn để ở cạnh gốc cây giáp đường bê tông.
Mang về nhà, bà kiểm tra cháu bé vẫn còn dây rốn quấn quanh và không có vật gì ngoài hai chiếc tã quấn trên người cùng một chiếc khăn. Ngoài thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình bà Hải đã làm đơn xin cháu bé làm con nuôi.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cao An cho biết, sau khi phát hiện ra cháu gái sơ sinh được bỏ rơi, vợ chồng bà Hải đã thông báo cho chính quyền xã.
Xã đã cử Ban công an địa phương xuống nơi phát hiện cháu bé xem xét, tìm hiểu và tiến hành lập biên bản. Đồng thời, thông báo trên đài truyền thanh của xã tìm người thân cho cháu bé. Nếu sau 15 ngày, người thân không đến nhận, địa phương sẽ tiến hành làm các thủ tục tiếp theo.
Lúc này, gia đình bà Hải làm đơn xin cháu bé làm con nuôi, cho nên trong thời gian tìm người thân địa phương có nhờ gia đình bà Hải nuôi dưỡng, chăm sóc.
Nói về việc nhận cháu bé bị bỏ rơi làm con nuôi, bà Hải cho biết, gia đình bà hiện có bốn người con, các con đã xây dựng gia đình, có ba người con thứ đã có con nhỏ.
Tuy nhiên, riêng vợ chồng con trai lớn là Vũ Văn Duy (SN 1980) và Nguyễn Thị Chinh (SN 1985) lấy nhau đã lâu mà chưa có con, đặc biệt gia đình chạy chữa nhiều bệnh viện nhưng chưa có kết quả. Vì vậy, khi nhặt được cháu bé, gia đình ai cũng vui mừng và bàn nhau làm đơn xin làm con nuôi.
Niềm vui của vợ chồng hiếm muộn
Những ngày này, căn nhà nhỏ của gia đình bà Hải đông vui hơn bao giờ hết, từ họ hàng, người thân, bà con hàng xóm đến hỏi thăm, chúc mừng và công việc cũng bận rộn hơn khi thay nhau chăm sóc cháu bé.
Mặc dù, công việc của các thành viên trong gia đình vốn đã vất vả, nhưng khi có thêm cháu nhỏ đến nay, ai cũng vui vẻ và giành cho bé tình cảm thân thương như những người ruột thịt.
Anh Duy tâm sự: “Từ trước đến nay chưa khi nào vợ chồng tôi cùng gia đình lại vui như lúc này được đón nhận cháu bé. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn tưởng đó là giấc mơ đến với vợ chồng mà bao nhiêu năm nay niềm mong mỏi đó không có”.
Anh Duy kể, gia đình mình được xã Cao An giao trông coi khu nghĩa trang liệt sĩ khoảng hơn 30 năm nay, bắt đầu từ đời ông nội đến bố mẹ. Công việc này tuy thù lao không đáng là bao nhưng các thành viên trong gia đình luôn cảm thấy tự hào vì được chăm sóc những phần mộ cho các anh hùng liệt sĩ.
Tuy vợ chồng anh cưới nhau đã được 7 năm mà vẫn chưa có con, dù anh cùng vợ đã đi chạy chữa nhiều nơi tốn kém tiền bạc. Trong khi đó, tiền lương công nhân của vợ và tiền đi làm thợ xây cũng chỉ đủ chi tiêu gia đình.
Nhớ lại quãng thời gian chạy chữa hiếm muộn, chị Chinh nghẹn ngào: “Khi lấy nhau thì ai cũng mong muốn có được những người con khỏe mạnh.
Dù kinh tế còn khốn khó và gia đình không được dư dả, nhưng có lẽ duyên con cái của vợ chồng tôi chưa đến nên càng đi chữa thì niềm hi vọng càng mong manh, nhiều lúc cả hai đều chán nản và muốn buông xuôi tất cả, nhưng ông trời đã nhìn thấy niềm mong ước bao năm của gia đình nên đã mang cháu đến cho vợ chồng”.
Bà Nguyễn Thị Diềm (73 tuổi, bác ruột chị Chinh) tâm sự, khi biết tin gia đình cháu nhặt được cháu bé, đang xin làm con nuôi ai cũng vui mừng cho vợ chồng cháu. Bởi bao năm qua, khi cả hai vợ chồng phải chạy chữa tốn kém mà vẫn chưa có con, nên họ hàng cùng gia đình đều mong muốn nhận cháu làm con nuôi nếu như người thân cháu không đến nhận.
Bà Hải cho biết: “Mong muốn lớn nhất lúc này của gia đình tôi là được nhận cháu bé làm con nuôi trong gia đình. Tôi nghĩ đây là duyên trời định giữa cháu bé và chúng tôi…”.
Theo Đức Tùy
Gia đình và Xã hội