“Chù ụ như con... vợ”

Tiếp đoàn từ Sài Gòn xuống, một đơn vị ở Trà Vinh dẫn khách ra biển Ba Động. Cả đoàn khách gần 20 người háo hức khi được chủ nhà giới thiệu đặc sản biển Ba Động: Con chù ụ.

 
Hình minh họa: PNO

Hình minh họa: PNO
 
 
Con chù ụ giống con cua đồng, nhưng sống ở biển, thịt giòn và ngọt. Người ta bảo, loài này lúc nào cũng mang vẻ mặt chù ụ, nên chết tên luôn. Quý khách lắm, người địa phương mới đãi món này vì hiếm, có tiền cũng chưa chắc mua được. Nhìn mấy con chù ụ rang me đỏ au, Nam - biên tập viên một nhà xuất bản - vui miệng: “Thay vì gọi là con chù ụ, gọi là… con vợ cũng đúng nhỉ?”. Ai nấy đều nhất trí, kể cả một số chị em đang có mặt. Thế mới lạ! Chẳng biết tự bao giờ, đàn ông và cả phụ nữ đều mặc nhiên rằng “vợ chù ụ là bình thường”!

 

Trên đường về lại Sài Gòn, Nam bất chợt chia sẻ: “Có lần tôi thử hỏi vợ: “Sao đa số các bà vợ đều thường xuyên mang mặt chù ụ nhỉ? Vui vẻ lên một chút có phải đời dễ thở không?”. Vợ bực dọc đáp: “Anh thử làm vợ một ngày xem, mặt có giãn ra nổi không, hay lại chù ụ hơn cả em”.

 

Nam nói thêm: “Tôi từng thử mường tượng ra cảnh một ngày làm vợ. Sáng khi chồng và con còn đang say giấc, vợ đã dậy chuẩn bị bữa sáng. Nếu bắt tôi dậy từ lúc 5g30 để nấu ăn, thì thà tôi ngủ nướng, nhịn ăn sáng còn hơn. Ai cũng biết, đó là lúc ngủ ngon nhất. Nấu xong bữa sáng, vợ vào phòng ngủ, hết mời gọi đến quát mắng, hai bố con mới uể oải ngồi dậy. Vợ nhanh tay dọn bữa sáng ra bàn trước khi hai bố con ngồi vào bàn ăn. Chưa hết, vợ còn phải tranh thủ ăn để có thời gian soạn quần áo vào ba lô cho con đến trường mẫu giáo. Buổi chiều, khi chồng còn đang chén chú chén anh, vợ đã đón con về, tranh thủ tạt qua chợ và nấu cơm, dọn nhà để… chờ chồng. Đã thế, chồng lại chẳng về đúng hẹn. Nhiều lần tôi nhắn tin kiểu: “Thôi hai mẹ con ăn cơm trước đi, đừng chờ anh”. Khi vợ con bắt đầu yên giấc, tôi mới mò về, đã mềm nhũn như cọng bún thiu, bốc toàn mùi hèm, vợ vui vẻ được mới lạ”.

 

Có người phản biện: “Đó là việc của người vợ, ai cũng vậy, bình thường thôi mà. Vợ phải học cách chấp nhận. Tưởng ông kể chuyện gì ghê gớm lắm!”. Nam nhẹ nhàng phân tích: “Bất công ở chỗ, lâu nay các bà vợ phải chịu quá nhiều thiệt thòi, cánh đàn ông đã quen như vậy, nên thấy đó là bình thường. Tôi nói thật, người ta chỉ vui vẻ khi tinh thần thoải mái, sảng khoái, chứ lúc nào cũng gồng mình lên lo cho gia đình, không rảnh tay được một chút như thế, vui sao nổi”. Cả xe ồ lên. Có người bảo: “Anh Nam hôm nay ăn phải giống gì mà bênh phụ nữ chằm chặp thế không biết!”. Câu chuyện trôi qua nhanh, cánh đàn ông lại chuyển đề tài. Chỉ có Hương - thành viên nữ duy nhất trong đoàn ngồi… chù ụ. Hương bảo: “Anh Nam nói đúng đó. Chồng em cũng hay than là em mặt nặng mày nhẹ. Em từng phân tích như vợ anh đã phân tích, chồng em cũng hiểu, cũng từng nhiều lần hứa là sẽ để ý chăm sóc vợ, đỡ đần vợ nhiều hơn, nhưng cuối cùng thì... Là phụ nữ, đâu ai muốn chù ụ cho mình xấu đi”.

 

Tôi dò hỏi: “Đàn ông cũng có những vất vả, khó khăn riêng, sao họ không hay chù ụ như phụ nữ?”. Hương chia sẻ: “Chẳng ai cực nhọc mà vui vẻ được cả, trừ phi họ đang được cực nhọc với những việc họ thích. Sếp anh giao cho anh một việc cực nhọc mà anh không thích, mặt anh có nặng như chì không? Chúng em cũng vậy thôi. Vất vả nhiều và vất vả liên tục, làm sao tươi lên nổi”.

 

Chợt nghĩ, vợ tôi cũng như bao người vợ khác, có vẻ mặt chù ụ cũng là hợp lý. Nhưng dẫu sao, nếu không quá vất vả, các bà vợ cũng nên “xí xóa” mà tập vui vẻ lên một chút. Chứ như loài cua biển ở Ba Động, dù thịt ngọt và giòn nhưng trót mang cái tên như vậy, khiến người ăn cảm thấy mất ngon.

 

Theo Trần Văn

PNO