Chữ hiếu

(Dân trí) - Mới vậy mà bố tôi đã đi xa gần 20 năm. Mỗi khi nghĩ về bố, kí ức những giây phút cuối cùng của ông lại ùa về ngập tràn trong tôi.

Hồi đó tôi công tác ở một tỉnh miền núi. Một buổi sáng tôi nhận được một bức điện khẩn, nội dung “bố ốm nặng, em về ngay”. Mắt tôi nhòe đi, chân khựng lại, mồ hôi tứa ra đầm đìa, linh cảm có chuyện chẳng lành với bố.

 

Cơ quan tôi cách nhà gần 200 cây số chỉ duy nhất một phương tiện về nhà đó tầu hỏa mà mỗi ngày chỉ đúng có 1 chuyến. Lòng tôi như có lửa đốt. 12 giờ trưa tàu mới đến, 5 giờ chiều tàu mới về ga. Tôi lại bắt xe ôm gần 10 cây số đến bến đò lúc trời nha nhem tối, rồi chạy một mạch hơn 2 cây số về nhà.
 
Chữ hiếu


 

Tới nơi nhà đã đông người, đèn thắp khắp nơi, khoảng sân trước nhà căng bạt và nhiều bàn ghế. Tôi khựu xuống, ngỡ đã không về kịp để gặp bố lần cuối. Tôi bất hiếu, đã không chăm sóc bố khi bố ốm đau. Thấy mọi người bảo bố tôi mổ gan, bệnh viện vừa trả về lúc chiều.

 

... “Chung! Nhanh lên bố cứ gọi tên em”, chợt tôi nghe tiếng quát của chị gái. Tôi vụt dậy, bố còn! Vứt túi vải đựng quần áo, gạt mọi người, tôi chạy vào nhà. Bố tôi đây, tiều tụy, hốc hác, da vàng bủng, băng cuốn trắng bụng. Tôi quỳ xuống trước mặt bố nghẹn ngào, nấc lên không thành tiếng. “Bố ơi!”. Như có linh cảm, bố tôi mở mắt mệt mỏi, bàn tay để trên ngực khẽ động đậy, mọi người bảo bố muốn nói với tôi. Tôi ghé sát tai, bố thều thào đứt quãng “Bố… ph…ải…ph... ải đi, các con chăm sóc mẹ, anh em phải yêu thương nhau. Ngày mai được ngày, bố làm nhà mới cho bà”.

 

Mẹ nghẹn ngào: “Bố con nằm viện nhưng cấm báo cho các con ở xa sợ ảnh hưởng đến công việc của các con. Khi bác sỹ báo bệnh nguy kịch bố mới cho báo và bảo mẹ xem ngày để làm mộ cho bà. Bố quyết tâm làm mộ cho bà, 2 giờ sáng ngày mai được giờ bốc mộ. Bố con bảo bắc rạp và kê bàn ghế để ngày mai mời bà con họ hàng”.

 

Bà nội tôi mất trước đó 5 năm, chưa kịp bốc mộ thay nhà cho bà, thì bố tôi bệnh nặng. Anh Nguyên bác sỹ quân y gọi bố tôi bằng cậu luôn túc trực bên bố bảo, bố tôi yếu lắm rồi, mạch có lúc còn không thấy. Sợ không qua khỏi đêm nay.

 

Tám anh em chúng tôi túc trực bên bố, thỉnh thoảng bố lại lịm đi, hơi thở yếu dần. Các chị lại la lên tưởng bố ra đi, thì bố tôi lại mở mắt gắng gượng, đau đớn thều thào hỏi “mấy giờ rồi, thằng Huy đâu, xong chưa?”. Bố giành giật từng phút cuối với tử thần để hoàn thành tâm nguyện cuối.

 

9 giờ 2 phút tối ấy, khi chú Huy tôi vứt vội xe đạp, chân vẫn còn dính bùn tất tả chạy vào, chắp tay trước mặt bố rưng rưng: “Thưa bác, việc bác giao chúng em đã hoàn thành” thì bố mở mắt, sự mệt mỏi ánh lên một tia tươi vui kỳ lạ. Dồn hết sức tàn khẽ gật đầu, ông từ từ nhắm mắt.

 

Sau này mỗi khi kể chuyện về ông nội cho các cháu, tôi thường bảo chúng, “phép màu đã giúp ông nội chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt nhất của cuộc đời ông chính là chữ hiếu”!

 

Hoàng Chung