Chủ đề: Tôi có nên gắng giúp em chồng?

Nhà chồng tôi chỉ có hai anh em trai. Chồng tôi đã đi làm, lấy vợ, có hai con, còn chú em kém chồng tôi một tuổi lại chưa có gì trong tay, cũng do bản tính ham chơi sa đà vào cờ bạc, điện tử... Ba mươi tuổi đầu vẫn cứ lông bông. <i/>(Baobinh14...@yahoo.com)</i>

Chú học đại học, sang năm thứ ba thì bị đuổi. Chú thi tiếp, lại học đại học khác, hết năm thứ nhất thì bỏ, chơi điện tử sướng hơn. Bạn bè rủ rê, thế là lao theo, chẳng còn tỉnh táo mà lo cho công danh, sự nghiệp. Bao nhiêu tiền bố đưa nộp học phí đều nướng hết vào những canh bạc và điện tử thâu đêm suốt sáng.

 

Ngày trước vợ chồng tôi đã động viên chú đi học tiếp nhưng chú chẳng muốn chỉ thích đi làm, mỗi bằng cấp ba thì chỉ có thể làm công nhân, lương lọc cọc lại không chịu được vất vả, nghe người ta phỉnh phờ chú đi bán hàng đa cấp. Bố chồng thương tình cho mười lăm triệu làm vốn để rồi về tay không, cái xe máy làm phương tiện đi lại cũng được “lên đường” cho những trận cá độ...

 

Bây giờ về nhà nằm ườn ra để hai ông bà già nuôi, tối ngày lang thang, đang thanh niên sức lao động mãi như thế kể cũng chán nhưng động muốn đi làm bố chồng lại cáu: “Tốt nhất mày ở nhà trồng rau, nuôi gà còn hữu ích hơn”.

 

Nay đang có một hướng khá khả quan đó là xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và bước đầu của nó là phải đi học tiếng Hàn, muốn đi học cần có ba triệu đóng học phí, phải mua xe máy để chú đi lại, rồi lo 1.200$ cho chú đi sang đó.

 

Mẹ chồng nói trước: “Anh em không giúp nhau thiên hạ, dân làng họ cười cho, bảo chỉ biết bo bo thân chúng mày, không biết thương em. Mà giúp nó, sau này có thế nào cũng không được kể công, mắng mỏ hay nói này nói khác”. Vợ chồng tôi, đứa làm nhà nước, lương thấp, đứa làm nhân viên văn phòng, có chức tước gì đâu, phải vất vả mới kiếm được đồng tiền, nào có ăn trộm ăn cắp được của ai cái gì bao giờ, thế mà giờ quẳng một đống tiền vào một nơi chưa đáng tin cậy, có tiền sử phá như thế không lo lắng sao được? Tất nhiên không thể định kiến song không dạy dỗ thì bao giờ chú ấy mới sáng cái đầu ra. Hai nữa, thân chúng tôi còn đang nhếch nhác, vừa lo nuôi hai con, vừa lo trả nợ, để chú ấy thấy tiền vào tay dễ dàng quá hẳn sẽ không biết quý. Thành ra chúng tôi đắn đo, nửa muốn giúp nửa không.

 

Vợ chồng tôi vừa dựng tạm căn nhà, chỗ nào vay được thì đều đã vay cả nên có muốn giúp cũng không đơn giản. Thương bố mẹ già, nhưng sợ cảnh chú ấy “ngựa quen đường cũ” thì uổng công mình lắm!

 

Chúng tôi định sẽ cắm bìa đỏ căn nhà vừa xây, ở huyện nhỏ nên may chăng vay được ngân hàng bốn chục triệu. Chắc cũng đủ chi phí cho cơ hội này.

 

Hoặc còn phương án, bố mẹ đẻ tôi luôn lo xa nên lúc nào cũng có cuốn sổ tiết kiệm ba chục triệu và có cái xe máy bố cũng ít đi lại. Có nên mượn xe của bố tôi cho chú đi học tiếng trong vòng năm tháng, đỡ phải mua xe mới rồi vay tiền bố mẹ cho chú ấy sang Hàn cho xong, chú không trả thì mình tìm cách trả chậm vậy. Nếu chú thành công thì mừng quá, còn nếu không thì coi như mình đã giúp mà chú ấy không biết điều từ sau mặc kệ.

 

Trường hợp chú tu chí thì chẳng ai tiếc, chỉ sợ “xôi hỏng bỏng không”. Chú bỏ ngang thì đúng là tai hoạ, cả nhà tôi chắc ra đường mất. Thế có mạo hiểm lắm không? Nói thật là đặt niềm tin vào chú em chồng quả là hơi liều, nhưng không liều cũng không được, dù sao đó cũng là một lối thoát để chú kiếm lưng vốn rồi về liệu đường làm ăn. Song làm thế nào để chú hiểu được tình cảnh hiện nay mà biết thương bố mẹ và hiểu cho vợ chồng tôi. Kẻo chú phá nốt cơ may này thì chúng tôi cũng thấy áy náy với bố mẹ chồng, ngượng với bố mẹ đẻ và thẹn với công sức lao động của hai vợ chồng tự dưng nai lưng ra trả nợ giúp chú ấy mà vô ích.