Chồng tôi "lật kèo", luôn muốn đưa con về nhà nội mỗi dịp lễ Tết
(Dân trí) - Lễ Tết là dịp để sum họp, nghỉ ngơi nhưng gia đình tôi thường xuyên cãi nhau khi tôi muốn về quê ngoại, chồng lại thích về quê nội.
Tôi và chồng yêu nhau từ hồi đại học. Sau khi ra trường, chúng tôi kết hôn, hiện có 2 con gái. Tình cảm và cuộc sống của gia đình tôi rất hài hòa. Tuy nhiên, mỗi lần vào dịp lễ, Tết, hai vợ chồng tôi lại xảy ra cãi vã rất lớn.
Nhà tôi ở Thái Bình, nhà chồng tôi ở Thanh Hóa, hai vợ chồng đã mua được chung cư, sống và làm việc ổn định tại Hà Nội. Trước khi lấy nhau, chúng tôi có thống nhất về việc sẽ ăn Tết một năm ở nhà nội, một năm ở nhà ngoại.
Chúng tôi thực hiện được vài năm, sau đó đều về Thanh Hóa ăn Tết đến hết mùng 3 mới về Thái Bình. Tôi cảm thấy rất khó chịu với chồng về điểm này, nhưng đã cố nhẫn nhịn.
Dịp lễ mùng 2/9 vừa qua, được nghỉ dài ngày, tôi bày tỏ với chồng muốn cả gia đình về quê ngoại chơi. Ban đầu, chồng tôi đồng ý, sau đó anh lại đổi ý với lý do "muốn đi họp lớp cấp 3 ở quê".
Hai vợ chồng to tiếng qua lại cả tuần. Chồng tôi nhất quyết muốn về nghỉ lễ ở Thanh Hóa. Còn tôi cũng không chịu thua, muốn được về quê ngoại. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra quyết định, mỗi người đưa một bé về quê. Tôi đi cùng con gái lớn về Thái Bình, chồng tôi đưa con gái út về Thanh Hóa.
Mặc dù trong lòng không muốn cả nhà phải xa cách như vậy, tôi cần tỏ thái độ dứt khoát một lần. Chồng tôi lái xe đưa con gái lớn về từ sớm. Trong khi đó, tôi bận công việc nên chờ đến tối muộn ngày 1/9 mới bắt xe về được, taxi đều quá tải nên đành phải bắt xe khách dọc đường.
Xe khách đông, ngột ngạt làm tôi và con vô cùng mệt mỏi. Hai mẹ con tôi phải đi hơn 3 tiếng mới từ Hà Nội đến Thái Bình.
Về đến nhà ngoại, hai mẹ con ăn vội vàng bữa tối. Cả đêm hôm đó, con gái tôi sốt li bì, quấy khóc rất nhiều. Sang ngày hôm sau, con tôi vẫn chưa có dấu hiệu đỡ. Tôi và cả nhà ngoại sốt ruột, lo lắng. Mọi kế hoạch tụ tập họ hàng và bạn bè đều bị hoãn lại.
Tôi cho con đến bệnh viện tỉnh để khám bởi đang có dịch sốt xuất huyết. Thật may khi con chỉ bị sốt do cơ thể suy nhược vì thời tiết oi bức và di chuyển đường xa.
Sau khi chồng tôi biết chuyện, anh vừa lo lắng cho con, vừa trách tôi đã không sắp xếp hợp lý nên con bị ốm. Tôi vừa mệt, vừa giận nhưng cũng không dám to tiếng, sợ bố mẹ biết chuyện vợ chồng tôi tranh cãi.
Đến ngày nghỉ cuối, con tôi vẫn chưa khỏi ốm. Vậy là chuyến về quê của tôi, mọi thứ đều không theo kế hoạch. Trong khi đó, chồng tôi vẫn đăng ảnh tụ tập, họp lớp vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Chồng tôi còn chụp ảnh tình tứ với nhóm bạn nữ, làm tôi càng thêm tức giận.
Tôi cảm thấy phụ nữ luôn là người chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Sau khi lấy chồng, tôi gần như không có nhiều cơ hội về thăm nhà. Bố mẹ tôi ngày càng già yếu, tôi là con một nhưng không có cơ hội chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.
Mẹ tôi thường động viên, lấy chồng phải theo nhà chồng. Nhưng tôi biết, mẹ mong tôi về chơi lắm. Công việc của tôi rất bận rộn, cuối tuần cũng thường phải tăng ca. Vì sinh nở mất nhiều thời gian nghỉ nên tôi đang phải phấn đấu cho sự nghiệp.
Hàng tháng, tôi vẫn gửi tiền về biếu bố mẹ. Nhưng bố mẹ già rồi, chỉ muốn con cháu sum vầy, ở quê ăn tiêu cũng chẳng tốn kém nhiều.
Chồng tôi khá biết điều, anh thường xuyên nhắc tôi gửi tiền biếu bố mẹ. Tuy nhiên, anh luôn dành thời gian nhiều hơn cho bên nội. Nhà chồng tôi rất đông anh em, mỗi dịp lễ đều về sum họp đông đủ. Tôi cũng hiểu chồng tôi có cái khó riêng, nhưng nhiều khi tôi không thể thông cảm được.
Dịp nghỉ lễ này, tôi cố "vùng dậy" một lần nhưng không thành. Ngoài việc khiến con bị ốm, bố mẹ đẻ lo lắng, tôi còn bị nhà chồng phàn nàn về việc không cho con về quê nội.
Tôi tích góp được một khoản riêng, đủ để mua một căn chung cư nhỏ. Với tình trạng khó về thăm nhà, tôi hy vọng có thể sớm đón bố mẹ lên Hà Nội.
Tôi phải nói với chồng về điều này sao cho hợp lý đây? Tôi chỉ sợ anh không đồng ý và nghĩ tôi đã cắt giảm chi tiêu của gia đình để có "quỹ đen".
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.