Đưa bạn trai về sống chung, tôi thường xuyên cảm thấy sợ hãi

Tuệ Minh

(Dân trí) - Khi bạn trai về sống chung một nhà, tôi bắt đầu nhận ra sự bất ổn trong tâm lý của anh. Nhưng bố mẹ dường như không mấy quan tâm vì sợ mất chàng rể ngoan ngoãn.

Tôi năm nay 22 tuổi nhưng bố mẹ luôn giục cưới chồng sớm. Mẹ tôi quan niệm, con gái phải sinh con trước 25 tuổi mới tốt cho em bé.

Trong khi đó, tôi muốn mọi chuyện đến một cách tự nhiên, tránh yêu vội vàng rồi hối hận do không lựa chọn đúng người.

Thông qua mai mối của bố mẹ, tôi quen một anh chàng điển trai, tính cách bên ngoài khá hiền lành, khi giao tiếp tỏ ra ngoan ngoãn. 

Thời gian tìm hiểu vừa được 3 tháng, gia đình tôi khuyên nên tính chuyện cưới xin sớm. Tôi không muốn vội vàng vì còn cả chặng đường dài phía trước. Hai đứa còn trẻ, yêu nhau thêm vài ba tháng không bao giờ là muộn.

Hoàn cảnh gia đình anh không quá khó khăn. Tuy vậy, thu xếp khoản tiền lớn để mua nhà ngay không phải là chuyện một sớm một chiều. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi chưa muốn cưới.

Trong khi đó, bố mẹ tôi tỏ ra sốt ruột, sợ anh thay lòng đổi dạ, mất đi chàng rể tương lai yêu quý. Vì vậy, gia đình đề nghị tôi rủ anh về ở chung cho đỡ chi phí thuê trọ bên ngoài, lại có cơ hội gắn bó tình cảm.

Đưa bạn trai về sống chung, tôi thường xuyên cảm thấy sợ hãi - 1

Mỗi khi có tranh cãi, anh nổi giận, tỏ ra hung hăng khiến tôi bất an (Ảnh minh họa: Adobe).

Tôi vốn là người sống thoáng nên không phản đối ý kiến của bố mẹ. Thêm nữa, gia đình tôi có 5 tầng, 4 người ở chỉ hết 3 tầng, còn 2 tầng gần như bỏ không. Nếu anh dọn về ở, cả nhà thêm đông vui.

Sau khi tôi trao đổi, anh đồng ý ngay. Từ ngày có anh chuyển đến sống cùng, bữa cơm của gia đình tôi đầy ắp tiếng cười.

Bố mẹ tấm tắc khen con rể tương lai chu đáo từ những hành động nhỏ nhất. Họ hàng đến chơi cũng hết lời ca tụng bạn trai là người khéo ăn nói.

Trong quá trình ở trong nhà, anh bắt đầu tỏ ra là người hung hăng mỗi khi không hài lòng bất cứ chuyện gì. Thật khó nhận ra những chuyện này nếu không sống chung một nhà.

Tôi và anh có vài quan niệm sống trái ngược nhau. Bạn trai đòi hỏi ở tôi sự chỉn chu và hoàn hảo. Tôi cho rằng, đó là điều không tưởng, vì bản thân mới chỉ 22 tuổi, còn nhiều điều phải học hỏi.

Mỗi khi hai đứa cãi nhau, anh mặt đỏ tía tai, nổi giận bừng bừng. Thậm chí, nếu tôi không nghe theo, anh sẽ chạy vào nhà tắm dọa làm hại đến bản thân. Trải qua những lần như vậy, tôi không khỏi bất an.

Ban đầu, bố mẹ tỏ ra lo lắng nhưng sau vài lần lại quay sang đổ lỗi cho con gái. Bố mẹ cho rằng, mọi chuyện phức tạp là do tôi không biết xoa dịu tình hình. Bởi con trai không ai là không nóng tính, phải làm quen để sau này còn vun vén gia đình.

Tôi suy nghĩ thực tế hơn và nhận ra ở anh sự bất ổn về tâm lý. Đơn cử mới đây nhất, khi tôi dự định ăn cùng nhóm bạn từng chơi thân ở lớp đại học, anh không hài lòng. Nguyên nhân vì trong số đó có anh chàng từng yêu và tán tỉnh song tôi không mở lòng.

Tôi muốn đi, còn bạn trai nhất quyết ngăn cản. Anh sợ sẽ mất tôi và ảnh hưởng chuyện tình cảm. Tôi mong anh tôn trọng mối quan hệ ngoài tình yêu của bạn gái.

Sau nhiều lần thuyết phục không được, anh lại dọa sẽ làm hại bản thân. Tôi sợ hãi nên phải chấp nhận ở nhà, bỏ kế hoạch đi ăn cùng mọi người.

Đến nay, chuyện anh như biến thành người khác mỗi khi tức giận lặp đi lặp lại 4-5 lần. Tôi phải mềm mỏng để chiều theo anh, còn bố mẹ dường như không quan tâm đến những lời con gái nói.

Tôi sợ hãi nếu phải sống trong tình trạng lo nơm nớp cả đời. Tôi có nên suy nghĩ lại về mối quan hệ tình cảm này?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.