Chồng thấp, vợ cao

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt hơn chồng, ra xã hội họ chật vật với thương trường, chính trị, về gia đình họ vất vả “kê cho bằng với chồng” để có cuộc sống gia đình đầm ấm. Trăm chỗ lệch liệu có kê bằng được không?

Lâm là cán bộ nghiên cứu ở viện kinh tế, công việc ở viện của anh rất mô phạm. Ngược lại với chồng, Hạnh, vợ Lâm, lại là một doanh nhân khá năng động và thành đạt trong lĩnh vực dệt may.

 

Để có được sự thành đạt của Hạnh ngày hôm nay, công Lâm không nhỏ. Bởi nếu không có anh quân sư đắc lực, Hạnh có lẽ mãi mãi chỉ là một trưởng phòng kỹ thuật mẫn cán trong số gần 10 trưởng phòng của công ty, không thể nào lên chức giám đốc kinh doanh.

 

Vậy mà đến khi có chút thành công, Hạnh quên mất rằng dù ở ngoài xã hội như thế nào, về nhà cô vẫn là vợ, bổn phận của cô là chăm sóc vun vén cho tổ ấm của mình.

 

Cái bổn phận ấy, cô giao cho chồng đảm nhiệm. Con đi học - anh, nấu cơm - anh, dọn dẹp nhà cửa cũng anh. Nhiều lúc dừng lại nghĩ nam nữ bình đẳng mình cũng nên tạo điều kiện cho vợ đi lên, không phàn nàn kêu ca, anh lẳng lặng làm tất cả mọi việc.

 

Nhưng Hạnh  thì không hiểu điều đó, về đến nhà cô kêu nhà cửa bề bộn, con anh chưa kịp tắm cô quát nó ham chơi để người ngợm bẩn thỉu. Không khí gia đình chẳng vui, đến bữa ăn ngồi chưa ấm chỗ đã nghe cô nhờ: “Lấy em lọ bột canh, nước rau nhạt quá”, “cho em mượn cái bát đựng xương”...

 

Bạn bè đến chơi Hạnh khoe những vật dụng đắt tiền, cái này cô mua khi đi công tác bên Singapore, cái kia là hàng xách tay rất độc. Anh ngồi đó tự nhiên “cháy” cả mặt bởi cái gì trong nhà anh cũng là do vợ mua.

 

Nói nhỏ nhẹ cũng có, chia sẻ gay gắt cũng có, nhưng dường như Hạnh vẫn cho rằng mình đúng. Mọi việc chẳng có gì thay đổi, Lâm đành bất lực với người vợ thành đạt của mình.

 

Cũng là một người phụ nữ “giỏi việc nước” nhưng Khánh Vân có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc với người chồng làm nghề tự do.

 

Hai người đến với nhau khi họ đều tay trắng, của nả chỉ là tấm bằng đại học của cô và chiếc xe Simson của anh. Chiếc xe máy được bán đi để anh lấy vốn kinh doanh. Công việc ban đầu không hề suôn sẻ, lỗ chồng chất, mức lương giáo viên của cô đủ rau cháo qua ngày cho cả gia đình.

 

Là một người có năng lực lãnh đạo, chuyên môn cao, cô nhanh chóng lên làm hiệu trưởng và được chuyển lên phòng giáo dục quận rồi lên bộ làm chuyên viên. Thu nhập của cô cũng khá hơn trước đôi chút, các khoản nợ nhỏ được trả dần. Anh ngạc nhiên hỏi “sao nợ nhà mình trả nhanh vậy?” cô nhỏ nhẹ “em vay ngoại”. Cô sợ anh thấy mình kiếm tiền không bằng vợ sẽ chán nản rồi trở nên bất mãn. Vì thế luôn tránh để anh tổn thương khi nhắc đến tài chính.

 

Nhiều hôm đi làm phải xuống cơ sở cô không kịp về ăn trưa, anh nhắn tin “vắng em, anh và con không muốn ăn cơm chút nào”. Từ đó cô luôn về nhà dù cho có khách mời, bận công việc đến đâu.

 

Anh lái xe có những hôm chở hàng giữa đêm một mình, thương chồng, cô không quản ngại đường xa đi cùng anh. Anh bốc hàng cô cũng phụ một tay. Khó ai dám nghĩ một người như cô lại có thể làm tất cả những công việc đó.

 

Mọi việc lớn nhỏ trong nhà cô luôn hỏi ý kiến chồng và quyền quyết định bao giờ cũng thuộc về anh. Họ hàng bên gia đình anh chưa một lời chê trách cô, bạn bè anh luôn coi nhà cô là nơi tụ họp trong những dịp lễ tết. Tất cả là do sự đảm đang, khéo léo, thân thiện của cô. cuộc sống vợ chồng ngày càng gắn bó, hạnh phúc.

 

Cô luôn tự hào về người chồng của mình mỗi khi có dịp nhắc đến anh với bạn bè, đồng nghiệp.

 

Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm. Hạnh phúc gia đình phần lớn phụ thuộc vào sự vun vén, khôn khéo và nhẫn nhịn của người phụ nữ. Không thể đổ lỗi cho sự chênh lệch về địa vị, kinh tế là nguyên nhân của đổ vỡ, quan trọng vẫn là cách mỗi người sống với nhau như thế nào.

 

Diễm Hương