Chồng lương cao gấp 10 lần vợ vẫn hạnh phúc khi rửa bát, lau nhà

Huyền Anh

(Dân trí) - Đoạn chia sẻ cùng lời nhắn nhủ ngắn gọn của "ông chồng lương cao gấp 10 lần vợ vẫn hạnh phúc khi làm việc nhà" đã mang lại những hiệu ứng cảm xúc rất tích cực trong cộng đồng mạng.

Chồng lương cao gấp 10 lần vợ vẫn hạnh phúc khi rửa bát, lau nhà - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Cách đây không lâu, một ông chồng chia sẻ trên mạng xã hội:

"Tôi là chủ một công ty, lương tháng cao gấp 10 lần vợ, nhưng tôi chưa bao giờ để vợ phải rửa bát hay lau nhà, nấu ăn thì được.

Vợ tôi từ lúc đẻ đứa thứ 2 sức khoẻ suy giảm hẳn, cô ấy sợ nước lạnh, nên tôi chẳng bao giờ để vợ phải đụng vô nước lạnh, từ rửa bát đến giặt đồ, rửa rau, lau nhà tôi đều làm cả.

Chúng tôi mua một căn chung cư cũng khá rộng nhưng vợ tôi không thích sống cùng người lạ nên gia đình tôi không thuê giúp việc, tôi kiêm luôn người giúp việc của gia đình.

Tôi thấy rất hạnh phúc vì ngày nào vợ cũng cười tươi, không tiêu cực như ngày trước. Ngày trước do tôi bận công việc, mình vợ chăm con, ngày nào đi làm về thấy vợ cũng mệt mỏi, tóc tai bù xù, tôi hỏi vợ còn chẳng trả lời, cô ấy luôn có một nỗi buồn rất lớn trong lòng. Từ đó tôi quyết định thay đổi bản thân, về sớm, nấu ăn, dọn dẹp, chăm lo con cái, từ ngày đó tôi thấy vợ hạnh phúc hẳn, tôi cũng hạnh phúc hẳn.

Đàn ông sức dài vai rộng, đừng bao giờ ngại việc nhà, không có mình phụ nữ họ vẫn làm tốt, nhưng chỉ một hành động của chúng ta cũng khiến họ hạnh phúc, cười cả ngày. Giặt đồ chỉ 15 phút, lau nhà cũng chỉ 15 phút, nấu ăn 30 phút, một ngày bỏ ra 1-2 tiếng lo cho gia đình, phụ giúp vợ, vợ chồng hạnh phúc, gia đình luôn ấm êm".

Đoạn chia sẻ cùng lời nhắn nhủ ngắn gọn của "ông chồng lương cao gấp 10 lần vợ vẫn hạnh phúc khi làm việc nhà" đã mang lại những hiệu ứng cảm xúc rất tích cực trong cộng đồng mạng.

Một số người vui vẻ nói rằng "đừng nói về tôi nữa mà" để tỏ ý rằng ở nhà mình cũng là một ông chồng như vậy, người thì bảo "mặt hàng này còn không?", "đúng là chồng người ta không bao giờ làm tôi thất vọng". Đa số cảm thấy một ông chồng như vậy rất xứng đáng nhận điểm 10, và có được anh ấy, bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ sống hạnh phúc. Cái hạnh phúc ở đây không phải là tha hồ được nằm lười sai chồng làm tất cả, cái hạnh phúc ở đây là do đã có người thấu hiểu rằng việc nhà là việc chung, việc nhà không phải thứ để mang ra so cao thấp giữa đàn ông - đàn bà, và anh ấy sẵn lòng chia sẻ, gánh vác việc nhà cùng với vợ.

Số ít ý kiến cho rằng nếu anh ấy không dùng từ "giúp vợ" nữa thì sẽ càng tốt hơn, bởi không dùng từ đó là anh ấy đã đạt tới "cảnh giới" cao: Hoàn toàn hiểu rằng rửa bát, nấu ăn, quét dọn nhà cửa... không phải "việc của vợ" để mà nói rằng mình đang "giúp" cô ấy.

Trong phần tranh luận về một bài viết đề cập đến nội dung bình đẳng giới trên Dân trí, bác Thiết Hùng, một độc giả U70 sống tại TPHCM, cũng vui vẻ bày tỏ ý kiến rằng:

"Thuở nhỏ, ông bà, cha mẹ dạy con phải biết quét nhà, ăn xong phải biết rửa chén bát... làm được thì ông bà bố mẹ khen. Bây giờ, lớn lên có gia đình riêng thì tị nạnh, so bì đàn bà phải rửa chén bát, quét nhà. Đàn ông mà rửa chén bát, lau nhà là làm mọi người sốc. Tôi năm nay U70 vẫn rửa chén bát từ nhỏ đến giờ. Sáng dậy từ 5 giờ sáng, quét 4 tầng nhà 242 m2. Có sui gia đến chơi tôi vẫn làm vậy. Tôi không thấy mình thấp hơn chút nào. Trẻ cao 1,76m, vừa cân và đo lại vẫn 1,76m. Trước dịch Covid tràn về, hàng ngày vẫn cưỡi Honda Sh150i ABS chở cháu đi học, rước cháu về. Chở "gái" (bà vợ già) dòng dòng khắp nơi trong TPHCM. Không thấy hạ chút chân kính nào".

Chia sẻ của vị độc giả lớn tuổi được bạn đọc trẻ tuổi nhận định là rất "chất lượng".

Trong xã hội hiện đại thật ra không thiếu những người đàn ông thường ngày vẫn vào bếp. Họ cũng nấu ăn cho con, cho vợ, cũng rửa bát, giặt giũ, phơi quần áo, có thời gian rảnh cũng "vật cái nhà" ra để lau. Nếu chúng ta còn giữ quan điểm cố hữu rằng tất cả những công việc đó là "việc của đàn bà", thì thật là đã phủ nhận công lao của đàn ông đóng góp cho gia đình nhiều lắm.

Đàn ông đâu chỉ có mỗi việc kiếm tiền. Giả dụ họ kiếm tiền không giỏi, nhưng thích làm việc nhà, thấy hạnh phúc vì được làm việc nhà, thì quan điểm khăng khăng cho rằng "việc nhà chỉ là việc dành cho đàn bà" chẳng phải đã tước đi của đàn ông cơ hội lựa chọn cách sống làm họ hạnh phúc sao?

Cho nên nếu đàn ông, dù ở ngoài xã hội họ vẫn giỏi giang, kiếm tiền gấp 5 gấp 10 lần vợ, hay không kiếm được tiền đi chăng nữa, nhưng ở nhà họ thích vào bếp, thích làm nhiều việc chân tay cho vợ con, vì cảm nhận được rằng điều đó mang lại cho chính họ và những người thân hạnh phúc, thì đừng ai bảo rằng, họ "sao lại động tay vào việc đàn bà!".

Nếu chúng ta quan niệm chỉ phụ nữ mới làm việc nhà, chỉ phụ nữ mới có vai trò trong quán xuyến gia đình, đã đẻ rồi thì nuôi dạy con nốt đi... thì tức là chúng ta đã phủ nhận vai trò, bàn tay người đàn ông trong ngôi nhà, phủ nhận cả mong muốn, nguyện vọng của họ được tham gia việc nhà cùng phụ nữ. Đó là định kiến giới.

Thực tế "làm việc lớn" không phải nghĩa vụ đặc thù của đàn ông, "làm việc nhà" không phải trách nhiệm riêng của mỗi đàn bà. Bình đẳng giới là mỗi cá nhân được quyền đóng góp theo năng lực, mong muốn của họ và được công nhận, được hưởng thành quả từ những gì họ đóng góp. Mục tiêu cuối cùng trong cuộc chung sống giữa đàn ông - đàn bà vẫn là: Đôi bên cùng hạnh phúc và làm được cho nhau hạnh phúc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm