“Chồng em áo rách...”

(Dân trí) - Mỗi lần ngồi vu vơ với bạn bè, chúng em thường nhắc chuyện ngày xưa, cái thời “vợ chồng tao yêu nhau thế nào, mấy ông ấy tán mình ra sao”. Ngẫm lại chuyện mình, em cứ tủm tỉm cười.

“Chồng em áo rách...”



Dạo ấy, khi em đang tung tăng áo dài đi học, chiếc xe bỗng dưng dở chứng, tuột nguyên cả cái bàn đạp ra ngoài. Em hì hụi, luống cuống dắt bộ hơn cây số, rồi mừng húm khi thấy quán sửa xe “cóc” bên vệ đường.

Trông cái mặt anh còn non choẹt, em dò hỏi: “Anh ơi, anh sửa xe được không?”

Anh trợn mắt nhìn em: “Không sửa được thì tôi mở quán chi cô.”

Biết mình lỡ miệng, em liền đổi giọng nhẹ nhàng nhất có thể: “Anh xem giùm em với, tự dưng nó tuột ra ngoài”.

- “Cái gì tuột?”

- “Cái ấy đó”

Vừa dứt lời, em lại thấy mình vô duyên quá đỗi, thì hồi ấy em đâu biết phân biệt cái bàn đạp hay giò đĩa, hộp sên.

Anh tủm tỉm cười hiền, kéo ghế cho em ngồi rồi bảo sợ muộn học thì lấy xe anh mà đi, lát về mang vào đổi cũng được. Em liếc nhìn xe của anh, chao ôi, chiếc xe chắc từ đời ông cố nội để lại, trong khi xe mình mới mua có một năm, còn mới cứng, đây không dại nhé.

Em càng buồn cười hơn khi trông thấy bộ dạng anh, chiếc áo sơ mi sờn cũ lộ bờ vai rắn chắc, tay áo rách te tua bị tuột cứ bay phần phật trong gió. Em ngồi nghĩ vu vơ đâu đó năm phút thì anh bảo xong rồi, tới trường nhanh kẻo muộn. Lôi tiền ra trả thì anh không nhận, bảo có sửa gì đâu, lần khác sửa lấy tiền luôn. Em đành hanh với ý nghĩ trong đầu, người đâu ác thấy ớn, trù họ hư xe để vào sửa hả ông, đừng mơ.

Từ dạo đó, mỗi lúc tan trường, ngang qua “cơ đồ” của anh, em hay ghé mắt nhìn. Có lúc thấy anh hì hụi sửa xe cho người ta, vẫn chiếc áo sờn rách, cái quần đen thui chẳng rõ màu nguyên thủy và bàn tay đầy những dầu mỡ. Có lúc lại thấy anh chăm chú bên cuốn sách, khuôn mặt anh khi ấy sáng bừng, lộ vẻ say mê, đăm chiêu đến lạ.

Rồi em cũng điều tra được “nhân thân” của anh thông qua cô bạn cùng lớp. Nó vẫn hay bi bô, “anh ấy mà chỉn chu thì đẹp trai chẳng thua gì diễn viên Hàn Quốc mày nhỉ”. Xem ra, khối đứa con gái rung rinh vì anh chứ chẳng ít.

Nhà anh nghèo, anh nghỉ học từ sớm để bươn chải đỡ đần bố mẹ. Anh học việc ở quán sửa xe của ông chú, thấy anh chăm chỉ và thạo việc, ông chú cho anh mượn đồ nghề rồi thuê một chỗ ven đường để anh lập nghiệp. Tối về anh vẫn đi học bổ túc, cần cù mấy năm rốt cuộc anh cũng lấy được bằng tại chức.

Duyên số đưa đẩy thế nào mình cùng vào làm một cơ quan. Anh bảo anh làm ở đây là làm thêm thôi, nghề chính vẫn là sửa xe, em bĩu môi tỏ vẻ không tin. Thú thực, ngay lúc ấy, tim em đã xốn xang vì anh lắm lắm rồi.

Hóa ra tối về, anh vẫn để cửa tiệm sáng đèn, anh bảo lỡ như xe ai hư, đoạn đường ấy vắng, có thủng xăm dắt bộ cũng chết người ta. Đêm, vừa ngồi ngắm trăng, đọc sách, thi thoảng sửa chiếc xe cũng chẳng nhọc nhằn gì.

Bàn tay tra dầu mỡ nhiều năm của anh đen sạm, nhẵn bóng. Anh vẫn bảo anh không có tướng làm quan, tướng anh là tướng nông dân, tướng rửa xe, em thương làm gì. Em cười, có sao, áo rách em còn thương được mà.

Thấm thoát vợ chồng mình cưới nhau đã bốn năm, cái nghèo vẫn chưa rời đi và cảm giác chắc “nó” còn vương vấn vợ chồng mình lâu lắm. Chúng mình vẫn chăm chỉ làm việc, thi thoảng tối về anh vẫn hì hụi sửa xe cho những ai nhỡ đường.

Em chẳng dám có tham vọng gì nhiều, bởi tham vọng thì vô tận mà lòng tham lại vô đáy. Nhiều khi giàu có, no đủ đến mấy cũng chưa chắc đã bằng lòng. Cho nên tham vọng của em vẫn là hai chữ “hạnh phúc”.

Năm tháng còn dài, vật chất từ từ rồi cũng tới, bằng chứng là cuộc sống của ta ngày càng “đỡ nghèo” đó thôi, em vẫn luôn cười tươi còn anh vẫn ngủ thẳng giấc và tình yêu hai ta ngày một đong đầy.

Áo rách còn biết đường lấy kim chỉ mà khâu, chứ còn trái tim rách, lương tâm nát thì dẫu khéo tay đến mấy cũng há dễ gì khâu vá lại được…

Diệu Ái