Chớ nên coi thường khi bé có quầng thâm mắt

(Dân trí) - Quầng thâm mắt ở trẻ nhỏ có thể không phổ biến như ở người lớn. Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện quầng thâm ở vùng dưới mắt thì chắc chắn có một vài vấn đề cần được phụ huynh lưu tâm.

Chớ nên coi thường khi bé có quầng thâm mắt - 1
Quầng thâm mắt của bé có thể báo hiệu nhiều vấn đề

Da mỏng và nhạy cảm

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới quầng thâm mắt của bé. Đầu tiên, có thể do vùng da dưới mắt bé rất mỏng và nhạy cảm, do đó, các mạch máu nơi đây có xu hướng trông tối màu hơn. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho mắt bé có quầng thâm. Một vài em bé có làn da mỏng mịn hơn so với bình thường, vì vậy, quầng thâm của các bé càng rõ rệt hơn.

Di truyền

Một sự thực là quầng thâm mắt cũng có thể được di truyền trong gia đình. Nếu bố mẹ có quầng thâm thì nhiều khả năng bé cũng sẽ mang “cặp mắt gấu trúc” ngay từ nhỏ.

Bé bị mệt

Yếu tố mệt mỏi cũng gây ra quầng thâm cho trẻ. Khi bé mệt, nước da của bé có xu hướng tái nhợt đi, dẫn tới việc sắc đen của mạch máu xuất hiện rõ hơn, đặc biệt là ở vùng dưới mắt.

Coi chừng các căn bệnh

Trong một vài trường hợp hiếm gặp thì dị ứng thời tiết, bệnh chàm, nhiễm khuẩn xoang, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc mất nước có thể là nguyên nhân gây ra quầng thâm dưới mắt ở trẻ sơ sinh.

Nếu bé bị thâm mắt do dị ứng, bao gồm cả dị ứng đường hô hấp thì các triệu chứng có thể đi kèm theo việc nghẹt mũi. Do hô hấp suy giảm nên lượng máu đến các tĩnh mạch bị hạn chế. Lưu lượng máu giảm dẫn tới sưng các tĩnh mạch dưới mắt. Hiện tượng này sẽ làm cho quầng thâm mắt của bé đặc biệt nổi bật và bố mẹ nên đưa bé đi khám.

Để hạn chế quầng thâm cho bé, các phụ huynh nên cho bé ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa đồng thời theo dõi cân nặng của bé. Trường hợp bé bị dị ứng, phụ huynh cần bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi… Ngoài ra, cần thường xuyên cắt móng tay cho bé, tránh để bé vô ý tự cào vào mặt, vào mắt.

Trà Xanh
Theo MJ