Chớ để dông cả năm!

(Dân trí) - Từ thăm nom, chúc Tết bên nội hay bên ngoại trước, rồi ngân sách dành cho việc lì xì, thậm chí cách tiêu xài… tiền thưởng cuối năm, nếu không cẩn thận, cũng sẽ trở thành vấn đề tranh cãi của vợ chồng ngày đầu Xuân khiến không khí chẳng còn vui vẻ.

Chỉ vì chuyện cỏn con

 

Sáng mồng Một, Ngọc gọi chồng con dậy ăn sáng, chuẩn bị áo quần tươm tất cho cả nhà đi chúc Tết họ hàng.

 

Bọn trẻ thì rất háo hức, có mỗi bố mẹ là mãi chưa xong vì còn mải tranh luận… sang bên nội hay bên ngoại trước.

 

Ngọc một mực đòi sang ngoại trước vì gần. Huấn lại cương quyết sang nội trước vì như vậy phải phép hơn. Ngọc ra chiều ấm ức chồng xem nhẹ nhà vợ. Chỉ đến khi Huấn quát lên khiến bọn trẻ ngoài cửa cũng giật mình Ngọc mới chịu nghe theo, nhưng trong lòng hậm hực.

 

Cả nhà đi chúc Tết mà ai nấy mặt mày bí xị. Sau cái nghi lễ với hai bên gia đình, Huấn - Ngọc mỗi người “tùy nghi di tản”. Ngọc đi lễ chùa, Huấn ở nhà tụ tập với đám anh em.

 

Năm ngoái, đưa thằng cu lớn đi chúc Tết mấy anh cùng cơ quan, Bách mải vui uống rượu quên gọi điện về cho vợ. Hương sốt ruột chờ chồng con về sang nhà sếp, mãi gần 10 giờ tối vẫn chưa thấy bóng dáng đâu.  

 

Rồi muộn hai bố con cũng về. Thằng nhỏ bơ phờ, ông bố thì nôn thốc nôn tháo. Nhìn chồng bê tha, Hương, vợ Bách, không nén nổi cơn giận: “Uống cho lắm vào rồi về lại con này hầu. Đầu năm thế đấy…”. Cô giận chồng, bỏ mặc anh nằm một mình ngoài phòng khách, úp cái lồng bàn lên “đống ô uế” cho sáng mai chồng dọn. Sáng hôm sau, chồng cũng dọn thật, nhưng hai người giận nhau luôn.

 

Nói đến lì xì, bọn trẻ chẳng đứa nào không thích, chỉ có người lớn là đau đầu khi đồng tiền mỗi ngày một mất giá. Đã thống nhất khoản chi cho lì xì từ trước, thế mà năm mới về quê, Tùng bỗng ra oai “người thành phố” mạnh tay lì xì cho đám con cháu “lạm phát” đến mấy trăm bạc. Hải nhìn chồng rỉnh rảng trong lòng khó chịu lắm: “Ở nhà vợ con xin một đồng còn khó…”. Về đến Hà Nội, cô “xạc” ngay cho chồng một trận, thế là cái Tết chẳng còn.

 

Song bi hài nhất có lẽ là chuyện nhà anh Khải. Có cái tivi LCD hai vợ chồng mới sắm dịp cuối năm để nhà cửa thêm sáng sủa đón Xuân, lúc đầu cả đôi ngắm nghía ra chiều thích thú lắm, vừa xem vừa bàn luận “anh anh em em” ngọt xớt.

 

Thế nào mà chỉ vài phút sau đã nghe tiếng Khải xô mâm cơm xuống đất cái rầm. Ra hai người đôi co chuyện có cái tivi là… do công của ai! Vợ Khải bắt đầu tru tréo trước ông chồng nồng hơi men với tính sĩ diện đang lên cao ngút trời: “Anh thì lúc nào cũng rượu chè, bè bạn, cả năm mới thò về vài đồng. Không có tôi xoay sở thì chỉ còn nước ra đường ở…”.

 

Thấy vợ khinh nhờn, Khải nóng mặt, ngang nhiên giơ tay “bụp vợ” ngay trong ngày đầu Xuân vui vẻ.

 

Ngày Tết đừng để bất hòa

 

Tết là thời gian mọi người bỏ qua những mâu thuẫn, cùng bên nhau trong không khí ấm cúng, đừng để căn nhà nguội lạnh chỉ vì những cãi cọ không đâu.

 

Người Việt có quan niệm “Tết thế nào, cả năm thế ấy”. Chính vì thế, người ta kiêng to tiếng những ngày đầu Xuân. Có điều gì không hài lòng, vợ chồng nên nhẹ nhàng góp ý cho nhau hiểu. Bố mẹ cãi vã, con cái cũng không vui, thậm chí sợ hãi. Đừng vì sự ích kỉ, hiếu thắng của mình mà tước đi cái Tết của con. Tết là để yêu thương.

 

Duy Khánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm