Chị em mách nhau độc chiêu trị osin
Để không rước nhầm kẻ trộm cắp và “những con quỷ đội lốt người” về làm osin, nhiều chị em đã chia sẻ cho nhau những cách điều trị osin rất hiệu quả.
Cẩn thận không thừa!
Sau 6 lần mất tiền cho trung tâm môi giới nhưng vẫn không kiếm được người giúp việc ưng ý, chị Mai (Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã rút ra được kinh nghiệm cho mình.
Chị cho biết: Thông thường, mánh khóe của các trung tâm không uy tín là mớm lời cho người giúp việc để được nhận, rồi sau khi thu được phí của gia chủ, các osin này sẽ vào làm vài hôm rồi xin nghỉ, để luân chuyển sang nhà khác. Hoặc dựng lên câu chuyện hoàn cảnh để đánh vào tình thương của gia chủ rồi lợi dụng vay mượn, xin xỏ, sau đó “bùng”. Tất cả những trường hợp này, chị đều đã trải qua, nhưng theo chị Mai, đáng sợ nhất vẫn là những tên trộm chuyên nghiệp trà trộn giả làm osin, chiếm lòng tin của gia chủ sau đó vơ một mẻ lớn rồi chuồn.
Chị Mai cho biết: Cách đây 5 tháng, gia đình chị đã trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo này.
Theo đó, khi mới đến làm việc, người osin tỏ ra vô cùng chuyên nghiệp trong công việc, lại thân thiện tình cảm. Vì thế, rất nhanh chóng, osin này đã chiếm được cảm tình và tin tưởng của mọi thành viên trong gia đình chị Mai.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, những đồ đạc quý giá như chiếc laptop, máy ảnh, đồ trang sức, tiền... và cả những đồ ăn bổ dưỡng của gia đình chị Mai đều không cánh mà bay cùng với người giúp việc.
“Lúc đó, mọi người mới ớ ra, tìm đến trung tâm giới thiệu thì phát hiện, osin này dùng chứng minh thư giả, do đó, rất khó để có thể truy lùng” - chị Mai cho biết.
Vì vậy, rút ra từ kinh nghiệm của mình, chị Mai cho rằng, khi phỏng vấn người giúp việc được giới thiệu bởi các trung tâm, mọi người nên chú ý đến ánh mắt của họ. Theo chị Mai, trung tâm môi giới thường mớm lời cho người giúp việc nên khi bị hỏi, họ hay đưa ánh mắt thăm dò nhau, rồi nhấm nháy, trả lời không thống nhất. Do đó, nếu tinh ý, người phỏng vấn có thể phát hiện ra đối tượng gian dối.
Thêm vào đó, trước khi nhận vào nhà, gia chủ phải yêu cầu người giúp việc nộp lại các giấy tờ cần thiết như: chứng minh thư photo, bản sao hộ khẩu, số điện thoại liên hệ ở quê khi có việc cần. Sau đó, gọi điện về quê để kiểm chứng các thông tin trên. Đồng thời, chụp lại ảnh của người giúp việc, và nói rõ ràng với người giúp việc rằng, nếu có chuyện gì xảy ra, những giấy tờ này sẽ được chuyển đến công an để điều tra.
Mất lòng trước, được lòng sau
Cũng đồng tình với quan điểm, phải cẩn thận rõ ràng ngay từ đầu mới có thể hạn chế được tình trạng osin trộm cắp, chị Hải Anh (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng tiết lộ kinh nghiệm quản lý osin của mình đó là: “Ngay khi osin bước chân vào nhà, mình đã quán triệt quan điểm, osin không được giữ tiền trong người, nếu osin có tiền riêng thì đưa mình giữ hộ, lúc nào cần phải dùng đến tiền đó thì bảo mình đưa”.
“Đối với đồ đạc mà osin mang đến, mình cũng sẽ kiểm tra từng thứ một rồi ghi lại, và thỏa thuận, sau này nếu osin cần mua gì thì có thể nhờ mình mua, còn nếu tự mua thì phải báo cáo lại, không báo cáo coi như là của gia đình mình, và khi rời đi sẽ không được phép mang theo” - chị Hải Anh cho biết thêm.
“Còn đối với những gia đình muốn theo dõi toàn diện mọi hành động của osin, nhất là những gia đình cần thuê osin để trông con nhỏ thì nên lắp camera để tránh tình trạng osin bỏ bê, đánh đập, họa dẫm, thủ tiêu đồ ăn của trẻ....” - chị Trang (Hai Bà Trưng Hà Nội) bổ sung thêm một phương pháp quản lý osin mà chị đang áp dụng.
Ngoài ra, chị Trang còn cho biết một kinh nghiệm “xương máu” đó là, khi đã quyết định cho osin thôi việc, thì tốt nhất là nên cho đi luôn. Bởi tâm lý bị đuổi việc sẽ rất dễ dẫn đến hành động nổi loạn để trả thù gia chủ.
Theo Minh Anh
Vietnamnet