Chị em dâu, bầu nước lã

(Dân trí) - Vừa về làm dâu tôi đã nghe em dâu bắn tín hiệu: “Mệt đứt hơi để rước được bà chị bằng tuổi về nhà, không rõ là lôi kéo được đồng minh hay đối thủ. Chờ xem. Tử tế thì tử thế, còn xỏ lá thì ta đây cũng không vừa”. Nghe rởn gai ốc!

 
Chị em dâu, bầu nước lã


Cô em đã có thâm niên sống chung với mẹ chồng 3 năm, hiểu rõ tính nết bà nên bố mẹ chồng cũng quý. Ngay buổi đầu bà đã bảo tôi “Cứ như cái H. là được”, nghe vậy em dâu càng vênh.

 

Mấy hôm tôi trót dậy muộn, H. đã liếc xéo nói hộ mẹ chồng: “Chị nên dậy sớm một chút chứ ai lại để mẹ chồng nấu ăn sáng cho là thế nào, không nấu được thì tốt nhất đừng ăn”.

 

Có lần vừa sáng ra tôi còn đang chải đầu trong buồng đã nghe bà la lối không thể to hơn, “Đứa nào mở cửa vườn để gà vào phá hết đám rau rồi, cái H. sao ngồi như bà tướng thế”, Cô em làm ra vẻ hài hước: “Con đang cho Tít ăn cháo, còn một bà tướng chưa dậy, bà gọi hộ con với”.

 

Cô em cậy bận trông con nên đi làm về đẩy hết việc nhà sang cho tôi, đã thế còn ra vẻ nói cái này chưa được cái kia tôi làm chưa tốt.

 

Thi thoảng lại bóng gió, đá chó chửi mèo: “Đừng có cậy ta đây có tiền đóng sinh hoạt phí nhỉnh hơn một chút mà đã ra vẻ”.

 

Khó chịu với cô em dâu lắm mà tôi không tìm được cớ nào để ra ở riêng. Cũng vì hai ông chồng đều đi làm cuối tuần mới về, sống trong không gian chật chội ấy tôi bức bối, khó chịu vô cùng. Trong lòng thì tự trấn an: “Thôi cố gắng sống cùng sau này có con được ông bà trông đỡ cũng tốt”.

 

Vậy mà, trong nhà như chia làm ba chiến tuyến, bà mẹ chồng cũng có vẻ “muốn phát rồ” vì hai cô con dâu như mặt trăng với mặt trời, có mỗi việc rửa bát, nấu cơm, cho gà ăn… mà cũng mặt nặng mày nhẹ. Hai chị em thì càng ra mặt khó chịu với nhau, vấn đề là cô em dâu sống lâu cùng nên dễ lấy được cảm tình của gia đình chồng hơn, đẩy tôi về một phía bơ vơ trơ trọi. Đã thế cô ta còn hay chịu khó dong dẻo bế con đi cho ăn rồi lê la nhà này một tí nhà kia một tẹo để kiếm chuyện làm quà, tâm sự về bà chị dâu “chả biết láng giềng là ai, sống chỉ biết mình, thu lu ích kỷ”.

 

Nghe mẹ chồng nói lại vẻ khuyên nhủ: Nên đi chơi gặp gỡ mọi người trong xóm, vì hàng xóm có đưa chuyện lại nói “nửa năm rồi chả biết mặt cô dâu trưởng nhà bà”, tôi càng thêm giận tím mặt.

 

Bực nhất là cái hôm mẹ chồng sai tôi làm việc, H. nghe thấy nhưng giả tảng lơ, ra vẻ phải bận trông con dù đứa cháu đã có thể tự chủ, tự chơi được rồi. Sau đó H. còn bấm điện thoại nhắn tin nhoay nhoáy như trêu ngươi.

 

Lúc nào mẹ chồng cũng có giọng điệu: “Mẹ không bênh cái H. đâu nhưng…”. Bố chồng khó tính luôn khinh khỉnh ra vẻ chẳng buồn phân xử, thi thoảng lại còn “quẳng xương cho chó cắn nhau”.

 

Tôi về kể chuyện cho chồng thì anh nhăn nhó: “Hay chuyển việc về ở gần anh, chứ giờ chưa có con mà đòi ở riêng bố mẹ chả băm vằm ra ấy. Chị em có gì tự bảo nhau, chuyện đàn bà anh tham gia thiên hạ cười cho”. Nghe mà càng ức.

 

Cô em dâu cứ “trên phân” muốn hơn người thế, biết bao giờ mới tìm được tiếng nói chung với “bầu nước lã” ấy đây?

 

Huyền Diệp