Chán vợ vì bị kiểm soát quá đà
Đến mức này, sau 9 năm chung sống, anh Hoàng Tùng lại chỉ muốn dừng lại cuộc hôn nhân được đánh giá là "không có chỗ chê" này.
Làm việc trong một tập đoàn lớn, anh Hoàng Tùng khá bận rộn. Vợ anh lại là một người hay ghen nên cuộc sống gia đình trở nên đầy bí bách.
"Vợ tôi luôn tìm mọi cách để kiểm soát. Tôi đi với bạn, cô ấy sẽ truy vấn đi với ai. Tôi dở việc chưa về là cô ấy gọi điện. Tôi để quên điện thoại thì cô ấy bảo tôi có gì khuất tất mà không nghe máy. Tôi nghe điện thoại luôn thì cô ấy bảo có gì không phải mà vội vàng. Sau chừng ấy năm sống chung, tôi cảm thấy mệt mỏi", anh Hoàng Tùng cho biết.
Chị Thảo Hương cũng là một phụ nữ thành đạt. Là giáo viên nên chị có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Sở hữu một người chồng thành đạt, có một gia đình yên ấm, ai cũng nói chị Thảo Hương thật là một phụ nữ may mắn. Thế nhưng, với chị mọi thứ trong gia đình phải được chị kiểm soát. "Nếu không tôi cảm giác có điều gì không ổn sẽ diễn ra", chị tâm sự.
Cũng có một người vợ "ưa kiểm soát", anh Trần Vinh cũng chung một nỗi khổ. "Vợ tôi cũng thuộc tuýp người thích kiểm soát. Cô ấy không thấy mặt tôi là không chịu được. Nhiều khi tôi có cảm giác cô ấy chỉ cần nhìn thấy tôi có mặt ở nhà thì mới yên tâm. Chính bởi thế tôi có đi đâu vài ngày là sẽ rất khổ sở bởi sự truy vấn từng giờ của cô ấy. Ai cũng tưởng vợ yêu chồng. Nhưng tôi mới hiểu, cô ấy thích kiểm soát". Anh Vinh tâm sự.
Để nhận biết và "tự nhận biết" một số dấu hiệu của người thích kiểm soát, bạn thử soi mình dưới các dấu hiệu sau.
1. Nhận biết dấu hiệu của người thích kiểm soát
Một trong những điều đầu tiên bạn cần làm nếu muốn học cách đối phó với người thích kiểm soát là nhận biết các dấu hiệu của nó. Đó là khi nửa kia luôn là người đưa ra các quyết định trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc nhỏ như bạn sẽ ăn gì, mặc gì, đặc biệt người ấy rất tức giận mỗi khi bạn mắc lỗi, cho dù là lỗi nhỏ. Họ luôn miệng chỉ trích, phê bình, thậm chí hành động như là sếp của bạn, và không ngại làm bạn bẽ mặt chỉ để dạy cho bạn một bài học. Nếu rơi vào trường hợp tương tự trên, bạn cần làm điều gì đó để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình.
2. Bắt đầu bằng việc thay đổi bản thân
Nên nhớ rằng bạn không thể thay đổi một người khác dù cố gắng đến đâu nếu họ không sẵn sàng làm điều đó. Vì thế, bạn có thể bắt đầu bằng việc thay đổi bản thân trước và có thể điều này sẽ tác động tự nhiên lên nửa kia khiến họ thay đổi theo. Bạn không phải có trách nhiệm với những hành động của nửa kia mà chỉ chú ý đến việc thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn.
3. Phối hợp cùng nhau
Nếu bạn nhận thấy nửa kia đang có thái độ kiểm soát mình, hãy nói chuyện thẳng thắn với họ. Bạn nên giải thích lý do vì sao mình nghĩ vậy và hỏi rằng liệu họ có nhận ra sự vô lý của những hành động ấy, đồng thời nhấn mạnh điều đó sẽ khiến mối quan hệ xấu đi. Hy vọng sau đó hai người có thể cùng nhau đưa ra giải pháp. Sự hợp tác từ hai phía luôn là chìa khóa giải quyết mọi khúc mắc trong mối quan hệ.
4. Cho thấy bạn bị tổn thương
Hãy thành thật với nửa kia và chia sẻ với họ rằng bạn bị tổn thương bởi hành động kiểm soát ấy. Chúng khiến bạn cảm thấy không thoải mái, buồn và đôi khi rất cô đơn. Bạn cảm thấy như mất đi sự tự tin và lòng tự trọng của bản thân. Bạn muốn hai người trở thành một đôi hạnh phúc và vui vẻ trong mắt mọi người thay vì luôn mâu thuẫn.
5. Tìm sự giúp đỡ
Để vượt qua những rào cản trong cuộc sống hôn nhân, bạn cần đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Bạn có thể tham gia hội thảo, gặp gỡ bác sĩ tư vấn để tìm kiếm những lời khuyên hữu ích cho mình. Hãy làm mọi thứ có thể để cải thiện mối quan hệ và luôn nhớ rằng hai người là một nửa của nhau, cùng nhau nỗ lực, thành thật với nhau để hàn gắn và khắc phục những vấn đề bạn đang phải đương đầu.
6. Luôn bình tĩnh
Hãy cố gắng giữ bình tĩnh khi giải quyết vấn đề này để tránh làm nó trở nên tệ hơn. Bạn có thể nói ra những lời không mấy tốt đẹp về nhau, những điều không đúng và rốt cuộc sẽ chỉ khiến mối quan hệ đi đến bờ vực. Chỉ cần nói với họ những điều bạn không đồng ý, giải thích tại sao lại cảm thấy như vậy. Đầu tiên, tưởng chừng rất khó để giữ bình tĩnh trong những cuộc hội thoại nhưng dần dần, bạn sẽ làm chủ được cảm xúc của mình.
7. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao nửa kia lại hành xử như vậy
Một điều quan trọng nữa là bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến nửa kia lại hành động như vậy. Có thể ẩn sâu là một nguyên nhân nào đó dẫn đến việc họ hành động như vậy mà chính họ cũng không nhận ra. Hãy giúp nửa kia của bạn vượt qua điều đó, luôn ở bên cạnh để động viên và sẻ chia. Bạn sẽ vượt qua được những khó khăn trong mối quan hệ nếu cùng sát cánh bên nhau và đủ kiên nhẫn.
Theo Phương Nghi
Gia đình và Xã hội