Cha mẹ nên làm gì khi con "sợ béo"
(Dân trí) - Áp lực có thân hình mảnh mai ảnh hưởng đến trẻ em sớm hơn bạn tưởng, nhưng bạn có thể bảo vệ con khỏi áp lực này bằng một số thông điệp nhẹ nhàng và làm gương tốt cho con.
Xem xét việc con "béo" dựa trên tổng thể
Đến bác sĩ có thể còn khó biết chắc việc trẻ mập là phản ánh một vấn đề sức khỏe hay một đợt tăng trưởng điển hình. Nhiều trẻ em bị tăng cân khá mạnh ngay trước hoặc trong giai đoạn dậy thì. Các bé gái từ 8-10 tuổi có thể tăng đến 4,5 kg mỗi năm trong 4 năm liên tiếp vẫn được xem là bình thường, các bé trai cũng sẽ có tốc độ tăng trưởng tương tự sau bé gái vài năm.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên các bác sĩ nhi khoa cũng như các bậc cha mẹ nên ít thảo luận hơn về cân nặng và chế độ ăn kiêng với con, thay vào đó nên nói chuyện với con về việc xây dựng thói quen sống lành mạnh.
Chuyên gia dinh dưỡng Maryann Jacobsen, R.D., tác giả cuốn My Body's Superpower, cho biết: "Nếu bạn cứ nói mãi về thân hình và khẩu phần ăn hoặc luôn hạn chế con ăn tráng miệng, trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy xấu hổ vì thừa cân". Thay vào đó, hãy nghĩ về sức khỏe của con bạn một cách tổng quát hơn. Jacobsen nói: "Nếu con bạn vẫn biết no, ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất đều đặn và sức khỏe tinh thần tốt, thì bạn có thể tin rằng trọng lượng của con sẽ giảm về mức cơ thể con cảm thấy thoải mái. Nếu có điểm nào đó không ổn - như con xem TV nhiều hơn chơi ngoài trời hoặc thời gian đi ngủ gần đây quá nhiều - bạn có thể tập trung vào việc giúp con thay đổi thói quen đó mà không cần đề cập đến cân nặng".
Không nên nói quá nhiều về lo lắng tăng cân của bạn trước mặt con
Dù con bạn còn nhỏ và bạn có thể nghĩ rằng con chẳng hiểu gì, nhưng việc bạn phàn nàn mãi về cân nặng của mình, rồi nhắc đi nhắc lại việc mình "béo quá", "cần phải ăn kiêng" sẽ hình thành suy nghĩ tiêu cực ở trẻ về việc béo là xấu và cần ăn kiêng để không bị tăng cân.
Tuy nhiên, "các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc bắt trẻ ăn kiêng không giúp giảm các nguy cơ về sức khỏe đó, trái lại, ăn kiêng từ nhỏ còn là yếu tố nguy cơ số một khiến trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống sau này" - chuyên gia dinh dưỡng Raleigh, Bắc Carolina (Mỹ) cho biết.
Thừa nhận sự kỳ thị người béo
Cũng giống như các nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ có thể vô tình củng cố sự phân biệt chủng tộc khi họ tránh thảo luận về chủng tộc với con cái, giả vờ rằng "làm gì có ai béo" hoặc "không nên nói đến chuyện béo" cũng không giúp ích gì cho con cái chúng ta, bởi sớm hay muộn chúng cũng sẽ tự có ý thức về hình dáng cơ thể. Hầu hết các thông điệp trẻ tiếp nhận được hiện nay vẫn mang đến suy nghĩ tiêu cực rằng béo là xấu, ví dụ các công chúa Disney đều có thân hình mảnh mai hay người béo thường là người xấu. Hãy thẳng thắn nhìn nhận với con về sự kỳ thị người béo.
Nghĩ kỹ về phản ứng của bạn
Khi đứa con nhỏ của bạn quan sát rồi la lên nơi công cộng: "Ui bà kia béo quá!", đừng vội nắn con: "Nói béo là không hay nhé", bởi như vậy là bạn đang củng cố thông điệp rằng béo đồng nghĩa với xấu. Thay vào đó, hãy thử một câu trả lời tích cực như: "Chẳng phải rất tuyệt khi cơ thể con người có đủ hình dạng và kích cỡ hay sao?".
Nếu con bạn dùng từ béo để mô tả về bản thân, bản năng đầu tiên của bạn sẽ là trấn an chúng rằng "Con không béo!" Nhưng hãy từ từ đã. Một đứa trẻ còn rất nhỏ có thể không sử dụng từ này với hàm ý tiêu cực đâu. Tốt nhất bạn hãy hỏi lại con xem con nói béo nghĩa là gì. Nếu con bày tỏ sự lo lắng, bạn có thể nói: "Béo có gì sai đâu, mọi cơ thể đều tốt!"
Với một đứa trẻ lớn, hãy bắt đầu bằng sự đồng cảm khi thấy trẻ bắt đầu quan tâm lo lắng về cơ thể mình. Bạn có thể nói: "Mẹ buồn vì con cảm thấy tồi tệ về cơ thể mình đấy. Nói mẹ nghe vì sao điều này lại khiến con lo lắng được không?".
Sau đó, hãy nhẹ nhàng chỉnh sửa nhận thức của con về "cơ thể có khuyết điểm của mình": "Ngoài kia có nhiều quan điểm về cơ thể như thế nào là đẹp, và rất khó để điều chỉnh cơ thể thực tế theo chuẩn đó. Tất cả các loại cơ thể đều đẹp, nhưng điều quan trọng nhất là những điều tuyệt vời mà cơ thể chúng ta có thể làm được con ạ".
Tập trung ít vào ngoại hình thôi
Các bậc cha mẹ không cần phải gạt bỏ mong muốn trở nên hấp dẫn của con mình, đó là điều mà ai cũng đều muốn vươn tới. Không có gì sai khi thỉnh thoảng nói với con bạn rằng chúng thật đẹp trai hay xinh gái. Tuy nhiên, hãy liên tục nhắc nhở con rằng đó không phải là điều duy nhất hoặc quan trọng nhất, ngoài hình thức ra còn rất nhiều tiêu chí khác để đánh giá vẻ đẹp của một con người, ví dụ như tốt bụng, hào phóng, và sáng tạo... những điều đó có ý nghĩa hơn nhiều.