Cha mẹ không hoàn hảo cũng… tốt cho con
(Dân trí) - Nếu có người cha, người mẹ nào có lúc băn khoăn tự hỏi họ đã làm cha mẹ tốt chưa, thì tôi cam đoan rằng chỉ cần họ từng tự hỏi bản thân như vậy, chắc chắn họ đã là cha mẹ tốt.
Hôm nay, tôi trò chuyện với phụ nữ rất thú vị, cuộc trò chuyện khiến tôi tâm đắc, sau đây, chúng ta sẽ gọi người phụ nữ này là Linh. Linh không chỉ có sự nghiệp thành công, mà còn là một bà mẹ biết cách nuôi dạy con cái. Khi hỏi Linh về cuộc sống gia đình và cách nuôi dạy con, tôi nhận được câu trả lời hết sức thẳng thắn: “Tôi không phải một người mẹ hoàn hảo hay lý tưởng gì đâu”.
Sau đó, Linh kể với tôi về mẹ của chị: “Mẹ tôi không phải một người mẹ hoàn bảo. Khi tôi còn nhỏ, nhiều lần mẹ đã mải “tám chuyện” với những bà hàng xóm mà quên mất tôi, hậu quả là tôi đã gặp nhiều tai nạn nhớ đời lúc bé dại, cũng may là không có hậu quả nào quá lớn hoặc dài lâu. Khi tôi tới tuổi đi học, mẹ hay đi đón muộn, có lần mẹ còn quên và để tôi chờ ba tiếng đồng hồ…
Tôi có thể kể nhiều hơn về sự đãng trí của mẹ, nhưng thực sự, tôi muốn kể câu chuyện này ra chỉ để nói rằng mẹ tôi là… một người mẹ tuyệt vời. Mẹ có thể mải nói chuyện với hàng xóm, nhưng mẹ không bao giờ quên mua sách và cùng đọc sách với tôi mỗi tối. Mẹ quên béng việc phải đón tôi sau giờ học, nhưng mẹ nhớ đưa tôi đi chơi mỗi cuối tuần nếu không quá bận.
Mẹ biết cách khơi dậy trong tôi sự tò mò, hiếu kỳ để tìm hiểu về cuộc sống xung quanh mình với niềm háo hức đầy lý thú, và mẹ đã cho tôi một tuổi thơ vui vẻ, một quãng đời vô cùng hạnh phúc trong ký ức của tôi”.
Giờ đây, khi chính Linh cũng đã làm mẹ, chị nhận thấy rằng làm cha mẹ là một trong những việc khó nhất trên đời: “Nuôi con là cả một quá trình dài. Người mẹ nào cũng có trải nghiệm của việc lần đầu làm mẹ, khi ấy, có rất nhiều điều chúng ta không biết phải xử lý thế nào. Có những lúc chúng ta rối tung lên vì con khóc, con ốm.
“Tuy vậy, tôi luôn biết chắc rằng mình đang làm hết sức có thể để chăm sóc, nuôi dạy con mình. Giống như mẹ đã cố gắng hết sức để chăm sóc, nuôi dạy tôi. Bà không hoàn hảo trong tất cả mọi khía cạnh của việc làm mẹ, nhưng chính những điều đó đã giúp tôi trở nên độc lập, mạnh mẽ, tự tin hơn.
Tôi đã từng nghe những người bạn của mình tâm sự rằng họ cảm thấy bản thân chưa phải một người mẹ tốt. Nhưng có một điều mà nhiều người mẹ trẻ không hiểu, đó là nuôi con không giống như đi làm, việc bạn nuôi con như thế nào không thể quy ra bằng hiệu suất, bằng con số thưởng phạt và cũng không thể đánh giá rõ ràng tuyệt đối rằng bạn đã làm đúng hay sai, tốt hay chưa”.
Điều Linh nói khiến tôi rất tâm đắc, bởi trong xã hội hiện đại, có rất nhiều cuốn sách dạy cách nuôi con, dạy cách làm cha mẹ lý tưởng theo phong cách giáo dục của những quốc gia tiên tiến hàng đầu trên thế giới đang tạo nên nhiều áp lực đối với những người cha, người mẹ trẻ tuổi. Họ hoang mang không biết bản thân có bị lạc hậu, bị thiếu hiểu biết, thiếu khoa học… trong việc nuôi con hay không.
Nhưng nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng việc cố gắng nuôi con đến mức “hoàn hảo” là một áp lực không tốt cho cả cha mẹ lẫn con cái, bởi trong cuộc sống này, làm gì có điều gì hoàn hảo không tì vết. Việc quá cầu toàn chưa bao giờ đưa lại hiệu quả tích cực trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống.
Cố gắng tốt hơn, tiến bộ mỗi ngày là một cách tư duy tốt, nhưng đừng tham vọng đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối, bởi điều đó là không tưởng và chỉ gây ra những áp lực tiêu cực. Những đứa trẻ được chăm sóc quá kỹ càng sẽ có xu hướng dễ bị lo lắng, kích động, dễ cảm thấy bất an.
Cha mẹ quá hoàn hảo cũng thường đặt ra những tiêu chuẩn cao đối với bạn đời, đối với con cái, khiến không khí trong gia đình dễ bị căng thẳng, và đó cũng chính là lý do khiến người ta dễ mắc nhiều vấn đề tâm lý, nhẹ là rối loạn hành vi, nặng là hội chứng trầm cảm.
Cha mẹ hoàn hảo sẽ luôn đề ra tiêu chuẩn hoàn hảo, khiến con cái cảm thấy khó khăn, chật vật với những tiêu chuẩn ấy. Khi đó, con trẻ dễ cảm thấy mình kém cỏi, đáng thất vọng, gây nản lòng cho gia đình, và những hệ lụy tâm lý ấy kéo dài đến mức khó lường…
Có những đứa trẻ sau này khi đã ở tuổi trưởng thành vẫn cảm thấy khó sống tự lập một cách thoải mái bởi luôn thiếu lòng tin vào bản thân mình, đánh giá thấp bản thân, lại thiếu khả năng ứng phó linh hoạt trước những trục trặc, khó khăn và thất bại xuất hiện trong công việc, cuộc sống.
Nhưng nhiều cha mẹ không hiểu được điều này. Họ muốn đảm bảo con mình có một khởi đầu tốt nhất, hoàn hảo nhất, họ rất cầu toàn trong cách nuôi dạy và mong con mình sẽ thật hoàn hảo… Họ đã vô tình làm hại con mình, khiến đứa trẻ sợ sai, sợ thất bại, lâu dần dẫn đến thụ động, kém linh hoạt, khi ra cuộc đời sẽ ngại va chạm, ngại thử nghiệm, thiếu kinh nghiệm và kém chủ động.
Vai trò của cha mẹ không phải là đưa lại cho con một sự chăm sóc hoàn hảo, mà hãy đảm bảo rằng con đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thể chất, hãy chú trọng nhiều hơn tới đời sống tinh thần - tình cảm của trẻ, điều đó có giá trị rất lớn đối với hành trình trưởng thành.
“Tôi không cố gắng trở thành người mẹ hoàn hảo, tôi chỉ đảm bảo rằng con tôi đang phát triển bình thường và đúng cách. Nếu có người cha, người mẹ nào có lúc băn khoăn tự hỏi họ đã làm cha mẹ tốt chưa, thì tôi cam đoan rằng chỉ cần họ từng tự hỏi bản thân như vậy, chắc chắn họ đã là cha mẹ tốt, bởi làm cha mẹ đâu phải là cuộc chạy đua hoàn hảo, mỗi người mỗi cách, mỗi nhà mỗi cảnh.
Chỉ cần bạn đã cố gắng hết sức mình để chăm sóc, nuôi dạy, đồng hành bên con, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ được với con, thì bạn đã là cha mẹ rất tốt rồi”, lời Linh nói khiến tôi nghe mà quá đỗi tâm đắc.