Câu nói phũ phàng của đứa con gái bị bỏ rơi

Hận chồng, chị bỏ lại đứa con gái cho anh nuôi rồi về quê làm việc. Để rộng cẳng bay nhảy, anh đem con gái cho người ta làm con nuôi. Và cả anh và chị dường như đều quên sự có mặt trên đời của nó, coi nó như kết quả của một cuộc tình sai lầm.


Anh chị yêu nhau hồi sinh viên, ra trường cưới luôn, khi ấy tốt nghiệp đại học mới chỉ 20 tuổi, cũng tuổi ấy chị đã thành mẹ của một con gái. Tốt nghiệp, anh nhận công tác ngay, còn chị vướng vào sinh nở nên ở nhà nội trợ.

Lúc con được 3 tháng tuổi thì chị phát hiện anh quan hệ với nhiều phụ nữ. Vì vừa cưới xong, chị đã mang thai nên anh đi lại với bà cấp dưỡng cơ quan hơn anh gần chục tuổi và sau đó là những cô gái khác. Anh không đẹp trai nhưng đầy nam tính, có địa vị công tác lý tưởng là phân phối thực phẩm, rất có giá trong thời bao cấp. Anh phân phối và nhận “lại quả” bằng tình.

Không chịu được cú sốc quá lớn và thái độ bất chấp của chồng, chị bỏ lại đứa con gái và về quê nhận công tác ở huyện. Để rộng cẳng bay nhảy, anh đem con gái cho người ta làm con nuôi. Và cả anh và chị dường như đều quên sự có mặt trên đời của nó, coi nó như kết quả của một cuộc tình sai lầm.

Rồi, như một sự xếp đặt của tạo hóa, chị trước, anh sau đều đến một thành phố châu Âu làm nghiên cứu sinh ở cùng một trường đại học. Họ gặp lại nhau sau hơn 10 năm xa cách, khoảng thời gian ấy anh đã kịp có vài đời vợ và chị cũng trải qua dăm mối tình không kết quả. Giờ thì họ chợt nhớ ra mình vẫn là vợ chồng vì đã có cuộc ly hôn nào đâu, họ lại tiếp tục đời sống vợ chồng, rất tự nhiên như chưa bao giờ có sự xa cách.

Chưa kịp bảo vệ luận án thì Đông Âu có biến, anh chị ở lại định cư luôn để buôn bán làm ăn. Họ sống trong một đất nước văn minh, có chế độ an sinh xã hội tuyệt vời, tiền bạc anh chị không thiếu mà chỉ thiếu tiếng khóc cười con trẻ, chạy chữa đủ cách mà chị không thể sinh con.

Khi cuộc đời đã bóng ngả về chiều và một cuộc sống vật chất viên mãn thì anh chị mới thấy tiếc đứa con gái ruột thịt mà mình bỏ rơi. Họ trở về Việt Nam tìm giọt máu lưu lạc của mình.

Về phần cô bé, bị cho đi từ lúc ẵm ngửa, qua tay vài gia đình, cuối cùng cô cũng có bến đậu trong một gia đình công nhân. Nhà nghèo, cha mẹ nuôi đông con lại về nghỉ mất sức một đợt, cả nhà trông vào công việc chạy chợ của bà mẹ và ông bố hành nghề xe ôm bữa được, bữa không.

Sáu tuổi, cô bé đã phải ra chợ bán hàng rong cạnh mẹ nhưng vì cô học giỏi nên cũng hết cấp 2. Mẹ nuôi cô bản chất thương người nhưng ở trong hoàn cảnh cơ cực nên rất dữ tính. Một lần cô bé đánh mất hết tiền của một ngày bán kẹo, bà mẹ nổi đóa lấy đòn gánh phang làm cô gãy chân…

Mất nhiều công sức và thời gian tìm kiếm, cuối cùng thì anh chị cũng tìm ra cô con gái mà họ bỏ năm nào. Những tưởng sau cú đòn gãy chân của mẹ nuôi, cô sẽ hoan hỉ đón nhận ông bố, bà mẹ rứt ruột đẻ ra sang trọng từ trời Tây trở về. Thế nhưng, ngược lại với nỗi vui mừng khôn xiết của vợ chồng anh chị, cô con gái dứt khoát không nhận cha mẹ. Cô bảo rằng cô đã có bố mẹ nuôi rồi, không có công sinh nhưng có công dưỡng, tuy nghèo nhưng không vứt bỏ đứa con nào.

Anh chị về tay không cùng nỗi buồn ghê gớm mà không thể trách được ai!

Theo Nhiu Nhíu
Pháp luật Việt Nam