Canh bạc cuộc đời
Thay vì tình yêu, nhiều cuộc hôn nhân hình thành từ những toan tính vụ lợi. Nhưng người tính không bằng trời tính, hầu hết những sự gá lắp này kết thúc một cách đáng buồn vì lòng tham vô đáy, hôn nhân không thể xây dựng chỉ trên nền tảng vật chất tầm thường…
Hôn nhân hay cuộc trao đổi?
Mọi người đều bất ngờ khi biết tin Hoài yêu Hồng. Hai người cùng quê miền Trung. Hoài khá đẹp trai lịch lãm nhưng nhà nghèo. Ngược lại Hồng thuộc loại xấu nhất nhì lớp. Nhất dáng nhì da thứ ba gương mặt, Hồng thì mất cả ba thứ, chả kéo lại được tiêu chuẩn nào. Nhìn Hồng không chỉ xấu mà người ta còn cảm thấy ái ngại tội nghiệp cho cô. Bù lại bố Hồng làm giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh.
Hoài đi học phải thuê nhà ở chung với đám bạn, thiếu tiền là chuyện thường mỗi cuối tháng. Hồng đi học đã được bố mua cho một ngôi nhà ở Hà Nội, đi học bằng xe máy loại đắt tiền nhất. Bước vào năm học cuối thì Hoài và Hồng yêu nhau.
Có lẽ Hoài đã suy nghĩ rất nhiều trước khi bắt đầu mối quan hệ với Hồng. Còn Hồng nhà cô đã có quá nhiều tiền, cái mà cô thiếu là một chàng người yêu đẹp trai như Hoài. Chính vì vậy khỏi phải nói khi có được Hoài, cô chỉ lo lắng làm thế nào để giữ chân anh chàng người yêu tốt mã này.
Ban đầu Hoài chỉ nghĩ sẽ lợi dụng Hồng để học nốt lấy cho xong cái bằng đại học. Nhưng ra trường, một lần nữa Hoài phải nhờ cậy đến mối quan hệ của bố Hồng để được nhận vào làm việc tại một công ty ở Hà Nội.
Lúc đi làm, Hoài cũng có cảm tình với một vài nữ đồng nghiệp trong cơ quan và cũng được đáp lại. Nhưng phút chót, Hoài không đủ can đảm vượt qua tham vọng bản thân. Với Hồng, Hoài có công việc, có tương lai vững vàng với nền tảng kinh tế vững chắc. Cuối cùng, Hoài vẫn quyết định cưới Hồng.
Ngày cưới, hầu hết bạn bè khách khứa đều lắc đầu trước sự chênh lệch về hình thức của cô dâu và chú rể. Chú rể đẹp trai trong bộ com lê đắt tiền giày đen bóng lộn. Cô dâu còm cõi trong chiếc váy cưới để lộ cả trứng cá, tàn nhang trên những mảng da hở…
Được và mất
Ngay sau ngày cưới, vợ chồng Hoài đã dọn đến ngôi nhà mà bố Hồng mua cho. Trong nhà nội thất đã được mua sắm trang bị đầy đủ. Hoài cũng được đi làm bằng chiếc xe máy tay ga đắt tiền mà bố vợ mới tặng. Tuy vậy những niềm vui bằng những đồng tiền không phải do sức lao động của mình làm ra chỉ làm thoả mãn người ta trong một thời gian ngắn mà khó ràng buộc họ đến cả đời.
Ở bên người vợ xấu xí, Hoài không thể quen và chối bỏ một thực tế là những cô gái khác xinh đẹp hơn vợ mình rất nhiều lần. Vì phụ thuộc kinh tế nhà vợ, Hoài trở thành người đàn ông yếu hèn, sợ vợ.
Không một cô gái nào thích người đàn ông kiểu ấy, bất chấp Hoài đẹp trai và có nhiều tiền. Và cũng để tránh những phiền phức có thể đến, Hoài tìm đến những cô gái gọi, những tiếp viên quán cắt tóc gội đều hay quán Karaôkê.
Anh ta tự bao biện và thanh minh cho mình bằng một lý lẽ: Chỉ giải quyết nhu cầu sinh lý. Khi về nhà, anh ta vẫn là người chồng, người cha tốt. Vợ Hoài cũng có nghe phong thanh về lối sống của chồng. Tuy nhiên Hồng tặc lưỡi chấp nhận: Miễn là anh ấy vẫn là của mình và kiểu “bóc bánh trả tiền” này còn hơn là anh ta bồ bịch để lại hậu hoạ.
Nhưng cuộc đời không đơn giản như người ta nghĩ. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, cuối cùng Hoài vẫn gặp phải một cô “gái bao” cao thủ. Cô ta không chỉ làm Hoài chết mê chết mệt mà còn khống chế anh ta và tìm cách để lấy thật nhiều tiền.
Sau khi quan hệ thật thân thiết, cô ta bắt đầu đòi hỏi ở Hoài. Cô ta bịa ra rằng mình đã có thai và đòi hỏi Hoài phải có trách nhiệm bỏ vợ cưới mình. Đương nhiên, Hoài không thể làm được việc ấy và chỉ có cách thể hiện trách nhiệm bằng việc thường xuyên cung cấp tiền cho cô ta.
Nhưng đòi hỏi của cô gái bao ngày càng lớn, Hoài không sao đáp ứng được. Cuối cùng, cô ta công khai quan hệ của mình với cơ quan của Hoài và tệ nhất là nơi bố vợ Hoài đang làm việc.
Đến lúc này thì bố vợ Hoài không thể chịu đựng được chàng rể mà ông đã bỏ tiền “mua” về lại làm mất mặt ông đến thế. Ngay lập tức ông buộc con gái phải li dị. Ân huệ cuối cùng ông để lại cho Hoài đó là không làm cho anh ta mất việc ở cái cơ quan mà chính ông đã xin cho anh ta vào làm việc.
Vả lại ông làm như vậy cũng là để tránh tình trạng “chó cùng cắn dậu”, Hoài có thể liều lĩnh làm phiền con gái ông. Xách va li trong chỉ có vài bộ quần áo ra khỏi ngôi nhà khang trang, Hoài lại trở về với “cái máng lợn gỗ”, tay trắng như ngày chưa lấy vợ.
Theo Thanh Thủy
Phụ nữ Việt Nam