Cái chết của Sulli và "góc khuất" của người trẻ

(Dân trí) - Nữ ca sĩ trẻ Sulli của Hàn Quốc treo cổ tự vẫn gây đớn đau cho người hâm mộ. Trước đó, nhiều thần tượng Hàn Quốc của giới trẻ cũng chọn kết thúc cuộc đời bằng tự vẫn. Tuy nhiên, khủng hoảng với người trẻ không chỉ là câu chuyện ở một nơi rất xa...

Mới đây thôi, tại TPHCM, hai chị em sinh đôi học lớp 10 đã nhảy từ nhà riêng là căn hộ tầng cao ở  Q.2, TPHCM. Bề ngoài, cuộc sống của các em dường như có tất cả những thứ là mục tiêu của rất nhiều người: Sống ở căn hộ cao cấp, học tại một trường quốc tế đắt đỏ hàng đầu TPHCM...

Nhưng các em đã chọn kết thúc cuộc đời với cách bi thảm nhất!

Năm trước, một học sinh lớp 10 tại một ngôi trường nổi tiếng TPHCM cũng nhảy lầu tự vẫn. Em được đánh giá là một người hiền lành, học giỏi. Em ra đi để lại lá thư tuyệt mệnh bày tỏ áp lực học tập, áp lực điểm số và kỳ vọng em đạt kết quả thi tốt hơn từ gia đình.

Một học sinh lớp 9 nhảy lầu sau khi đạt điểm 3 môn tiếng Anh. Trước đó, trong một thời gian dài em đã có những biểu hiện bất ổn vì áp lực học tập. 

Và đau lòng phải nói, đó là những cái chết đã hiện hữu, đã xảy ra. Nên nhớ, nhiều năm trước, nữ thần tượng Sulli đã có những bất ổn về tâm lý. 

Quanh ta, còn vô số bạn trẻ như một quả bom nổ chậm với những áp lực từ cuộc sống, xã hội, vì sự mất định, vì những hoang mang, trống trỗng và cả bơ vơ. 

Tại một trang fanpage về giáo dục có hàng trăm ngàn thành viên chủ yếu là học sinh, sinh viên, admin đăng trạng thái hỏi: Các bạn đang mong muốn điều gì?

Trạng thái đó được đăng vào lúc 2h sáng. Và chỉ sau đó, khoảng một giờ đồng hồ thôi, đã có hàng chục ngàn lượt bày tỏ cảm xúc và cả ngàn bình luận.

Lướt một dọc mà không khỏi run rẩy: Rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên nói rằng muốn có ai đó để tâm sự và rất nhiều người nói... chỉ muốn chết!

Nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy ma túy đá, bỏ nhà đi bụi, quan hệ tình dục tập thể, sống bất cần, buông thả, đánh lộn... Họ gánh điều tiếng hư, không ra gì nhưng phía sau những biểu hiện này là một sự đỗ vỡ.

Người lớn quen với các nhận định, bọn trẻ bây giờ sướng! Cái này thường là cách nghĩ của những người trải qua giai đoạn thiếu thốn về vật chất, về cơm ăn áo mặc. Không phủ nhận, người trẻ bây giờ nhiều cơ hội, kết nối nhanh hơn nhưng đi cùng đó cũng là những áp lực và thách thức đòi hỏi, kỳ vọng cao hơn. 

Ngay từ khi mới lọt lòng, các em đang tuổi vị thành niên hiện nay đã chịu áp lực chiều cao, cân nặng trong từng giọt sữa, từng thìa cháo nạp vào người. Tiếp đó, khi đến trường là áp lực nào là áp lực phải học chữ trước, điểm số cao, tiếng Anh giỏi, thi vào trường này trường nọ, áp lực về tiền bạc và thành công. Tất cả như một vòng xoáy cuốn các em mà không phải ai cũng vững tinh thần để đương đầu.

Có cậu bé mới 5, vì thấp hơn bạn một chút, được gia đình đưa đến viện để... tiêm hóc môn tăng trưởng chiều cao. Bố mẹ còn dự định, nếu không thành sẽ để dành tiền để sau này đi kéo dài chân. 

Cao đâu chưa biết nhưng thật khó hình dung, trong cuộc sống hàng ngày em sẽ phải đối diện như thế nào với áp lực về hình thể từ trong ánh mắt, khát khao của chính bố mẹ. 

Một người mẹ lớn tuổi kể, ngày trước bà nuôi 10 đứa con, không bằng giờ con mình... chăm một đứa. Công sức người lớn đổ ra dành cho con trẻ luôn đi kèm những kỳ vọng khủng khiếp. 

Giờ đây, những đứa trẻ sống trong bầu không khí ngập sự so sánh, hơn thua cao thấp hơn một chút, điểm kém hơn một chút, thi trường "ít top" một chút... 

Kỳ vọng đó nhưng thực tại nhiều bất ổn dội đến các em như khủng hoảng gia đình, cuộc sống bất an, những rối ren từ mạng xã hội...

Trong khi người lớn vẫn dễ dàng buông lời: "Trẻ giờ sướng, chẳng phải lo gì!". Thái độ đó, câu nói đó đang đưa tay đẩy trẻ xa người lớn hơn, xa với cuộc đời hơn. 

Không phải, phải nói chưa bao giờ người trẻ phải chịu áp lực, khó khăn như bây giờ mới phải. Không phải là khó khăn đời thường về miếng cơm, manh áo mà là về kỳ vọng, về lý tưởng, về lẽ sống. 

Cái chết của Sulli và góc khuất của người trẻ - 1

Cái chết của nữ thần tượng Sulli tiếp tục cảnh báo về những góc khuất của người trẻ

Trong một lần chia sẻ về áp lực của người trẻ ngày ngay tại TPHCM, bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến cho hay, môi trường sống ngày càng phức tạp, trong khi môi trường giáo dục trong gia đình và nhà trường đã không kịp thích ứng để “xử lý” kịp thời những bất ổn. Khi sự kỳ vọng từ môi trường bên ngoài, từ gia đình vượt quá khả năng của mình sẽ dẫn đến khủng hoảng ở vị thành niên. 

Sự nổi loạn thể hiện bất mãn, chán chường nhưng cũng là sự thất vọng, cô đơn, bế tắc của các em. Nhiều em nổi loạn, làm những việc khác người còn để lôi kéo sự chú ý, quan tâm, chia sẻ từ người lớn.

Bác sĩ Tiến cảnh báo, diện nay có khuynh hướng rất rõ ràng là tình trạng trầm cảm ở vị thành niên. Họ có ý định tự sát hoặc tự sát thật sự khi không có khả năng ứng phó, hóa giải những khó khăn mà mình phải đối mặt.

Có khi, phía sau cuộc sống đủ đầy vật chất, đầy những rộn ràng và hào nhoáng bên ngoài của trẻ là sự vỡ vụn, chới với trong những tiếng kêu thảm thiết yếu đuối...

Hoài Nam