“Các bà vợ có thể nói ít đi được không?”
(Dân trí) - Anh bạn tôi kết hôn đã được 5 năm. Mỗi lần có dịp gặp nhau anh đều nói rằng cuộc hôn nhân của anh sẽ chẳng có gì phàn nàn nếu vợ anh không nói quá nhiều.
Vợ anh cũng phần lớn như những bà vợ khác, thương chồng thương con, tháo vát việc trong việc ngoài. Nếu bảo anh phải chỉ ra tật xấu của vợ thì chỉ có thể là nói nhiều đến mức không cần thiết. Nhiều khi việc ban đầu chỉ là rất nhỏ, cuối cùng vì vợ anh hay nhắc đi nhắc lại, kéo dài câu chuyện quá mà thành chuyện to. Nhiều khi mâu thuẫn vợ chồng đã có thể kết thúc sau lời xin lỗi thì lại trở nên căng thẳng hơn vì những điệp khúc không hồi kết của vợ.
Chuyện của anh ít nhiều cũng đặt ra cho tôi một dấu hỏi: Khi mâu thuẫn, nói nhiều có giải quyết được vấn đề không hay càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng?
Cách đây vài năm, cạnh phòng trọ của tôi là đôi vợ chồng trẻ. Anh chồng thì nóng tính, chị vợ thì lắm lời. Tuần nào họ không cãi nhau là chuyện lạ. Mỗi lần trong cơn cãi cọ luôn là tiếng quát tháo của anh chồng: “Cô nói ít đi được không, còn nói nữa ăn tát bây giờ”, còn chị vợ thì không vừa thách thức: “Tôi cứ nói đấy, nói cho lúc nào thủng lỗ tai thì thôi. Để xem anh dám làm gì tôi”.
Lần nào cũng thế, bắt đầu là chị vợ không vừa lòng việc gì đó và ca thán với chồng, sau đó là cãi cọ, là bực mình. Kết thúc bao giờ cũng là anh chồng đi ra khỏi nhà bỏ mặc vợ mình ngồi khóc. Có lần tôi bảo cô ấy “Những lúc chồng nóng giận không nói ít đi được à?”. Cô ấy bảo: “Em nói suốt ngày còn chẳng ăn thua nữa là, chồng em em mới nói chứ người dưng em nói làm gì”.
Chuyện vợ chồng, người ngoài cuộc nhiều khi không hiểu hết, cũng không biết đặt mình ở vị trí đó rồi sẽ cư xử ra sao. Nhưng quan điểm cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng nói nhiều chưa bao giờ là phương pháp hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn. Nói nhiều không những khiến đối phương ức chế mà bản thân mình cũng mệt mỏi, càng nói càng nảy sinh tâm lý bực mình. Nói dài, nói dai thành ra nói dại, càng nói càng giận mà “cả giận, mất khôn”. Không ít cuộc hôn nhân có kết thúc buồn vì tật xấu này của phụ nữ.
Có ông chồng thừa nhận rằng vợ anh nói nhiều đến độ, mỗi khi anh làm gì sai hay có lỗi gì mà thấy vợ im lặng thì lo ngay ngáy. Bởi bản tính vốn có của vợ anh, mỗi khuyết điểm của anh luôn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rồi giảng giải, rồi phân tích, rồi đe dọa, rồi than thở. Mỗi lần như thế anh dù biết mình sai vẫn bực mình với vợ.
Anh kể, có lần anh nhắn tin đùa quá trớn với một em đồng nghiệp bị vợ đọc được, tưởng rằng phen này chết chắc. Anh đã chuẩn bị tinh thần để hứng một cơn thịnh nộ nhưng vợ anh chỉ im lặng. Đến khi đi ngủ vợ anh mới nói: “Chúng ta nhiều tuổi rồi, con cũng lớn rồi, anh làm như thế dù thật hay đùa cũng khiến em rất buồn, rất thất vọng”. Nghe xong anh liền ôm vợ xin lỗi, dù vợ không nói nhiều nói dài như mọi khi mà khiến anh thấm thía, vừa thương vợ vừa tự trách mình.
Bởi vậy mới nói, một người đàn bà khôn ngoan không phải là giảng giải trách móc thật hay mà là biết im lặng đúng thời điểm. Đàn ông vốn không hay nói nhiều và thường phát điên lên với những phụ nữ nói quá nhiều. Vậy nên nếu có lúc thay vì nói phụ nữ lại im lặng sẽ khiến họ có chút e dè, lo lắng.
Ngôn ngữ cũng giống như một thứ vũ khí, nếu biết sử dụng đúng cách, đúng thời điểm sẽ có khả năng “sát thương” cao, còn không thì có nói hàng vạn câu đối với đàn ông cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”. Với những “đứa trẻ lớn” như đàn ông thì mỗi sai lầm chỉ nên nói một lần với thái độ dứt khoát và nghiêm khắc là họ đủ hiểu. Còn họ có tái diễn sai lầm nữa hay không thì lại là câu chuyện khác.
Lê Giang