Buộc phải "nói xấu" mẹ chồng
Cả tuần trong bệnh viện, em cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Con cái quấy khóc, may có bà ngoại hỗ trợ...
Chị Thanh Tâm thân mến!
Rất ít khi em nói xấu mẹ chồng bởi bà thực sự là một người tốt bụng, có trách nhiệm với xã hội. Bà không nề hà bất cứ việc gì của thôn xóm, hoạt động tích cực trong Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi... được mọi người tin yêu, kính trọng. Nhưng nhiều lúc điều này lại quá đà, khiến em rất bức xúc. Khi được góp ý, bà lại giận dỗi, bỏ cơm.
Em cũng thấy việc tham gia vào các công việc xã hội là điều rất nên, bởi không những góp công góp sức cho cộng đồng mà còn giúp tuổi già thêm vui. Nhưng bà tập trung vào những điều ấy quá, nhiều lúc chưa kịp ăn cơm đã chạy đi đến đầu làng, cuối xóm để hòa giải. Con cái nhờ bà trông giúp, 2 vợ chồng em đi làm, về đến nhà, 2 đứa trêu nhau khóc lóc, đứa bé thì đái dầm, mùi khắp nhà. Tìm mãi không thấy bà, hóa ra bà đi họp thôn.
Đỉnh điểm là tuần vừa rồi chị ạ, cả chồng và con của em đều ốm. Chồng em đi làm về, thấy sốt rất cao, cứ nghĩ là bình thường, ai dè đến khi nhập viện cấp cứu xét nghiệm mới phát hiện bị sốt xuất huyết, tiểu cầu hạ xuống thấp. Vậy là anh ấy nằm viện mấy ngày. Cùng lúc đó, đứa nhỏ sốt cao, viêm tai giữa, viêm phổi nên em cũng đưa con vào bệnh viện Nhi cấp cứu ngay. Vậy là em phải nhờ bà ngoại cùng em vào viện chăm cháu. Còn bà nội thì chăm con trai bà. Đứa lớn gửi ông ngoại và cậu.
Nhưng bà nội mải lo chuyện làng chuyện xã nên rất bận bịu. Buổi sáng mua cháo mang vào cho con trai, rồi về đi họp, chồng em ở trong viện một mình. Cậu tới thăm về, trách em: "Mày chăm thằng Nam thế nào để nó một mình trong bệnh viện, trông như thằng chết trôi, mệt khát nước mà không có ai lấy cho, tự đi vệ sinh, suýt ngã trong viện đấy!". Em hốt hoảng, kể tình hình con em cũng đang ốm nằm trong bệnh viện Nhi, cậu mới thôi không trách em nữa.
Em gọi điện cho bà, bà bảo, 2 vợ chồng cuối xóm đánh nhau, đòi li hôn nên bà phải qua đó mấy ngày nay để hòa giải. Em cảm thấy rất khó chịu khi nhà neo người, đang thật sự cần giúp đỡ thì bà lại lo những chuyện bao đồng bên ngoài. Chồng em ốm nằm trong bệnh viện một mình, gọi điện nghe giọng chồng thở không ra hơi em lại thấy sốt ruột. Bà bảo: "Nó lớn rồi, là bố 2 đứa con rồi, mày không phải sồn sồn lên". Em chẳng biết nên nói như thế nào bây giờ.
Cả tuần trong bệnh viện, em cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Con cái quấy khóc, may có bà ngoại hỗ trợ. Em muốn qua chăm chồng nhưng con ốm nặng, vừa sốc phản vệ thuốc nên cần ở lại để theo dõi. Thương chồng thương con mà em không thể phân thân được. Đã vậy, đứa lớn mới gần 4 tuổi, mấy ngày nay ở cùng ông ngoại và cậu nên buồn, dỗi bố, dỗi mẹ, em gọi điện về cho ông ngoại nói chuyện với con mà nó không "tiếp sóng". Bà nội thì ngày nào cũng họp thôn, họp xóm, không để ý tới gia đình. Có lẽ bà quen việc chồng em đã trưởng thành và tự lập nên không cần phải chăm sóc như còn nhỏ nữa... Em gọi điện góp ý với bà, vậy là bà nổi giận đùng đùng.
Nhà đã nhiều việc, mệt mỏi, bây giờ còn có thêm việc mẹ chồng giận dỗi. Chồng em mấy hôm nay đỡ hơn, biết chuyện liền trách em. Em tức không chịu được, đầu muốn nổ tung luôn. Chị Thanh Tâm ơi, có đúng em đã sai rồi không? Em quá đáng với bà lắm ạ? Nếu là bình thường, gia đình khỏe mạnh thì em nào có ý kiến gì về việc công tác của bà. Nhưng khi con cái cần bà nhất, bà lại lo cho người ngoài hơn khiến em tủi thân...
Linh Linh (Bắc Ninh)
Linh thân mến!
Chị hiểu cảm xúc của em, đặc biệt khi em đang trong một hoàn cảnh rất cần sự quan tâm và trợ giúp của người thân. Người cao tuổi làm công việc xã hội thấy bản thân có ích hơn vì giúp được mọi người, đồng thời gặp gỡ hàng xóm láng giềng cũng giúp bà vui vẻ hơn. Em cũng nên hiểu cho bà, vì khi đã tham gia thì có nhiều trách nhiệm hơn. Nhiều khi ở nhà đang ngủ nhưng nghe tin có ai đánh nhau là phải bật dậy đi hòa giải. Trong trường hợp của em cũng vậy.
Chị nghĩ, lần sau em nên để người khác góp ý với bà. Ví dụ, cậu của em có thể kể chuyện với bà về việc đến thăm và thấy tình trạng con của bà như vậy. Bà luôn nghĩ rằng con trai bà đã lớn, đủ mạnh mẽ để vượt qua nên chỉ cần đưa đồ ăn đến là đủ. Nếu bà nghe người khác nói chuyện, bà sẽ tiếp thu vấn đề hiệu quả hơn.
Còn trong trường hợp này, bà hẳn đang buồn và trách bản thân lắm. Bà có tuổi rồi nên 2 vợ chồng có thể nói chuyện chân thành để bà đỡ tủi thân. Ở tuổi này, bà vui vẻ, khỏe mạnh là mừng rồi, đúng không?
Chúc gia đình em khỏe mạnh và hạnh phúc!