Bố và con trai

(Dân trí) - Hai bố con lúc nào cũng quấn quýt bên nhau như hình với bóng. Mà quả thật nhìn con trai bố thấy cứ như đang soi gương vậy, rồi lại tự trầm trồ khâm phục, “hồi bé hẳn ta cũng đáng yêu như thế”. Đó là hạnh phúc của bất cứ ông bố nào.


Bố và con trai



Bố thường cẩu con lên bằng chân, rồi nhắc con trai lên tận cổ để cao nhất nhà. Hai bố con rủ nhau đi thể dục hít thở không khí sớm mai, trong lúc mẹ dạo chợ. Khi chờ mẹ soạn bữa cơm chiều, cả hai cùng dắt nhau đi khám phá, đôi chân cong cong, cái đầu nghênh nghếch, hai bố con nhìn như hai hình đồng dạng, chấp chới trên con đường nhỏ.

Bố dẫn con trai đến lớp học võ để nhìn các anh chị tập, để nếu con thích thì vài năm nữa sẽ cho đi, mỗi lần đến đó con trai lại lẩm bẩm “Học võ để giữ sức khỏe, để tự vệ chứ không phải để đánh nhau”.

Hai bố con chở nhau đến hồ bơi, bố mời gọi “Nhìn bố bơi như con cá này”, con trai đang ở trên phao phấn khích nhìn theo thán phục, rối rít gọi “Bố chờ con với, con bơi với”.

Bố rủ con trai đi tưới cây, bố dạy con cách giữ vòi nước làm sao để nó túa đều ra khắp vườn như đang mưa thật vậy. Con trai làm theo, điệu nghệ và chuyên nghiệp như một ông thợ làm vườn chính hiệu.

Rồi bố gọi con trai “Xé lịch, để chào một ngày mới thôi”. Hôm nào con trai ngủ lười chỉ cần bố nói to “Bố xé lịch vậy nhé” là thằng bé nhảy phắt dậy, “Để con, để con”, rồi hớn hở bắc ghế xé, xong đưa luôn bố “Gập máy bay cho con”.

Có hôm bố và con vác ghế ra ban công ngồi ngắm thành phố từ trên cao. “Bố ơi, tại sao cây Cau Vua dưới đường kia bị đổ”. “Hàng cây đó mới trồng, gió lại to quá con ạ”. “Thế sao những cây còn lại không đổ?”. “Vì chúng muốn sống, nên đã can đảm và chăm chỉ bám chặt vào đất, thành ra gió phải chịu thua”.

Khi con thấy những cuốn truyện tranh đã trở nên nhàm, bố phải vận dụng óc sáng tạo để sáng tác truyện cho nó mới mẻ, có truyện mang tên “Đi cứu công chúa”. Công chúa là em rồng nhỏ nhà bác hàng xóm, em kém con hai tuổi, dễ thương vô cùng, cái miệng toét ra, để con trai thi thoảng lại típ mắt vào trả lời “Có” khi ai đó hỏi: “Yêu em bé không?”. Giờ con là nhân vật hoàng tử đi cứu công chúa khỏi con rồng biết phun ra lửa, thật là kinh hãi. Bố hỏi mấy lần “Thế con có sợ con rồng không?” con đều trả lời “Có ạ”. Bố cười “Ơ, sợ thế thì cứu công chúa thế nào được”. Con có vẻ lăn tăn lắm, chau mày nghĩ ngợi như thật. Bố liền gợi ý: “Sao con không thử dùng trí tuệ như biển lớn của mình để lừa con rồng nhỉ”. Con nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi bảo “Con sẽ hát thật to để con rồng sợ mà chạy mất”. Bố đến ngã ngửa với kế sách ấy của con trai.

Gần gũi vậy nhưng nhiều lúc bố cũng rất nghiêm khắc, bố kiên quyết chỉnh đốn thói quen “ăn rong” vốn bị hình thành từ nhỏ. “Nào con trai trở về đúng chỗ ghế của con và ngồi nghiêm chỉnh nào. Cần ăn gì bảo bố mẹ lấy hộ hoặc lấy thìa đũa gắp lấy, tuyệt đối không được dùng tay, lớn rồi phải biết thế nào là lịch sự”. Ai bảo lũ con trai khó bảo và không gần gũi bố mẹ nào, con lúc nào cũng quấn bố mẹ, sẵn sàng giúp đỡ mọi việc bố giao, từ gãi lưng, đấm lưng cho đến “vào lấy cái bơm ra bố bơm phao bơi cho nào”. Con trai là cánh tay phải đắc lực của bố.

Hôm bố vừa tắm xong, mặc áo mới, con vội nhao ra khen “Bố đẹp trai thế” rồi ngừng một lát bảo “Con cũng đẹp trai”. Khiến mẹ chỉ còn biết đứng nhìn mà ghen tị, bao giờ cho có đứa con gái đồng minh, để nó lẻo mép như thế.

Từ ngày có con, chưa bao giờ mẹ phải nhắc nhở bố việc về sớm, đừng mải rượu chè để về nhà chơi với con, vì bố luôn tự biết điều đó. Con trai như sợi dây gắn kết bố với gia đình thân thương.

TSL