Bó tay với cách ăn nói của chồng

Tôi lấy chồng đến nay được năm năm, cộng thêm thời gian sáu năm tìm hiểu nữa là thành 11 năm. Tưởng rằng trên 1/10 thế kỷ gắn bó, chúng tôi chẳng còn gì lấn cấn về nhau. Thế nhưng cuộc sống chẳng nói trước được điều gì. Tôi thật sự bó tay với chồng!

Bó tay với cách ăn nói của chồng - 1

Thời gian gần đây tôi có công việc ổn định, dù vất vả nhưng thu nhập cũng đủ để hai đứa hy vọng sẽ nhanh chóng thoát khỏi kiếp phòng trọ, kiếm được căn hộ nho nhỏ để yên tâm đi về. Mặc dù thu nhập gấp đôi chồng nhưng tôi chưa khi nào thể hiện mình là nhân vật làm kinh tế chủ lực. Tôi vẫn tôn trọng và thương yêu chồng như từng cam kết thời mới yêu.

Mọi sự bắt đầu từ hai tháng trước, tôi phát hiện anh bắt đầu có tật “ăn sóng nói gió”. Cái gì cũng ra vẻ ta đây hay ho, “chẳng qua là chưa muốn phát lộ tinh hoa” như lời anh dương dương tự đắc.

Hôm đó, do đi làm về muộn lại mang theo cảm giác trĩu nặng vì công việc trong ngày không được như ý, tâm trạng tôi không tốt lắm.

Nhìn đống chén bát ngổn ngang, quần áo vứt mỗi nơi mỗi chiếc trong khi chồng thì tủm tỉm với thứ gì đó trong máy tính, tôi nhắc: “Em đi làm cực nhọc lắm, sao anh ngồi chơi mà không giúp em dẹp nhà? Ít ra cũng phải xếp áo quần, nhặt mớ rau, cắm điện cái nồi cơm chứ?”.

Chồng giật mình rồi ngẩng lên diện ngay bộ mặt ngơ ngác: “Ơ, mấy chuyện đó đã có em rồi thì anh cần gì phải biết cho lãng phí”. Tôi hỏi lãng phí cái gì, anh thủng thẳng: “Thì lãng phí cái sự biết chứ gì nữa. Kiến thức nhặt rau cỏn con mà cần những hai đứa thông thạo thì còn người đâu mà tính chuyện đại sự”.

Tôi tức tận óc nhưng sự mệt mỏi khiến tôi tạm thời chưa tính chuyện lý lẽ.

Tuần rồi tình huống lại diễn ra tương tự, tôi chịu hết nổi nên lên giọng mỉa mai “Vâng, đại sự! Vậy trong khi em lên công ty làm việc quần quật cả ngày để kiếm tiền rồi về lại chu đáo chuyện nhà cửa cơm nước như một con đầy tớ thì anh ngoài thời giờ ở cơ quan đã làm được cái gì cho gia đình?”.

Chàng nghe xong bước tới đưa tay xoa xoa đầu tôi, nói: “Thì anh làm nhiệm vụ động viên em kiếm tiền cho nhiều!” rồi lại vỗ vỗ vai: “Em cứ yên tâm làm việc, đã có anh ở sau lưng em làm chỗ dựa vững chắc nên đừng lo chi cả”…

"Chỗ dựa vững chắc" của tôi cuối tuần thường bỏ mặc vợ con để đi cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè. Tối rảnh thì cắm mặt vào điện thoại chát chít "giao lưu" với các cô gái lạ. Tôi khuyên thì nhận được trả lời: "Mấy cô em đó chỉ là đùa vui, hơi đâu vợ lo. Còn có bạn mà không nhậu, không cà phê cà pháo thì còn gì là bạn?".

Ba ngày trước, nhân lúc có mưa nên trời mát, mọi bức bối cũng có phần dịu lại, nằm bên chồng, tôi khéo léo gợi lại những cay cú chồng mang đến cho tôi. Gắng lắm cuối cùng tôi cũng nặn ra được một động tác nũng nịu, dụi đầu vào vai mà thủ thỉ: “Anh còn nhớ kỷ niệm chúng mình ngày xưa?”.

Chồng lim dim mắt, trả lời: “Nhớ chứ! Thuở ấy thật là đẹp. Anh bây giờ vẫn hình dung ra những góc đường chúng ta hò hẹn, những hàng cây chúng ta đi qua và những câu chuyện lãng mạn của hai đứa mình…”.

Tôi cố gợi: “Vậy còn nhớ bao nhiêu lần mình hứa với người ta là sẽ không bao giờ khiến người ta phải buồn phiền không? Thế mà mới có mấy năm, giờ mình đã quên lời...”. Chồng mở mắt nhìn tỉnh rụi: “Là hứa sẽ cố gắng để vợ không phải buồn. Nhưng cố gắng là một chuyện, kết quả là một chuyện khác”.

Chưa hết, lão còn dí thêm một câu nữa vào tai trước khi biến cái giường của hai đứa trở nên mênh mông như vũ trụ: “Em mà sống ở thời ông Tú Xương, chắc vợ ông ấy với em chẳng thể làm bạn”.

Vậy là thất bại trong nỗ lực cải tạo thái độ chồng. Tôi thấy chán chường và nản cùng cực.

Chẳng lẽ phải kết thúc cuộc hôn nhân năm năm này?

Theo Ngọc Anh
Pháp luật TPHCM