Bố đưa con trai đi khám tâm thần chỉ vì cậu muốn... làm con gái
(Dân trí) - Nam (24 tuổi, nhà thiết kế thời trang) từng cố gắng tự tử vì khủng hoảng tâm lý sau khi sống thật với bản dạng giới. Áp lực từ định kiến xã hội, sự chối bỏ của gia đình khiến cậu rơi vào bế tắc.
Nam lớn lên trong một gia đình khuôn mẫu, mẹ là giáo viên, bố là cán bộ xã. Từ năm 10 tuổi, cậu đã nhận ra sự khác biệt: Yêu thích búp bê, váy vóc, và cảm thấy sợ hãi khi cơ thể bắt đầu phát triển theo hướng nam tính.
Nhưng trong một gia đình coi trọng các chuẩn mực giới, sự khác biệt ấy trở thành điều không thể chấp nhận.
Chỉ cần ngồi vắt chéo chân, Nam đã bị bố quát: “Ngồi cho ra dáng đàn ông vào”. Giọng nói nhỏ nhẹ cũng khiến mẹ cậu cau mặt: “Lớn lên mà yếu đuối như đàn bà thì sống sao nổi?”.
Những lời nói ấy khiến cậu dần chôn vùi con người thật của mình. Cậu cắt tóc ngắn, mặc đồ thể thao, tập gym, chơi bóng rổ, thậm chí cố nói chuyện với giọng trầm hơn để "trông giống con trai". Nhưng càng cố gắng, cậu càng cảm thấy mình đang sống cuộc đời của người khác.
Áp lực kéo dài khiến cậu khép mình lại, ngại giao tiếp và học hành sa sút. Những cơn đau tâm lý dần biến thành hành vi tự hại. Cậu cào tay đến chảy máu, như một cách để khẳng định mình vẫn tồn tại.
Trong suốt nhiều năm, Nam sống trong dằn vặt và mâu thuẫn. Cậu gồng mình gắn vào hình hài "nam giới", trong khi tâm hồn lại thuộc về một cô gái.
“Mỗi sáng thức dậy, tôi đều thấy cơ thể mình xa lạ. Mặc đồng phục nam, bị gọi bằng cái tên không phải của mình khiến tôi như đang sống trong căn phòng không có cửa", cậu nói.
Chỉ đến khi vào đại học, xa khỏi vòng kiểm soát của gia đình, Nam mới có cơ hội sống đúng là chính mình. “Tôi được tự quyết từ cách ăn mặc, xưng hô đến các mối quan hệ”, cậu kể.

Chàng trai dằn vặt suốt nhiều năm vì không được sống thật với chính mình (Ảnh minh hoạ: iStock).
Cuộc sống mới giúp cậu hồi sinh. Người bạn cùng phòng - cũng là anh họ, người cậu thường xuyên tâm sự - đã biết và âm thầm ủng hộ. Nam tham gia một câu lạc bộ sinh viên đa dạng giới, nơi không ai hỏi "Sao lại như vậy?", mà chỉ dịu dàng: "Cậu ổn chứ?".
Tuy vậy, thế giới ngoài vòng an toàn ấy vẫn đầy rẫy kỳ thị. Nam bị chế giễu, xúc phạm, bị xô ngã trong nhà vệ sinh cùng tiếng hét: “Đây là nơi dành cho đàn ông, biến đi”.
Sự kỳ thị khiến niềm tin vừa chớm nở nhanh chóng bị bào mòn. Cậu từng phải nghỉ học cả tuần vì không chịu nổi lời đồn trong lớp. Mất ngủ, ác mộng, cảm giác là gánh nặng khiến cậu rơi vào khủng hoảng sâu sắc.
Đỉnh điểm là một buổi tối, sau khi bị bạn học công khai chế nhạo, Nam uống thuốc tự tử. Người anh họ phát hiện cửa phòng khóa bất thường và kịp thời đưa cậu đi cấp cứu. Sau đó, anh đã gọi điện báo cho cha mẹ Nam, kể lại toàn bộ sự thật.
Cha mẹ cậu lập tức lên thành phố, xin cho cậu nghỉ học hai tuần. Ban đầu, họ giận dữ, như một phản ứng tự vệ trước điều gì đó quá xa lạ. Nhưng sau lớp giận dữ ấy là nỗi sợ hãi, lo lắng và bất lực.
“Họ đưa Nam đến gặp tôi với mong muốn "giúp con ổn định lại" và nếu có thể, "hướng con trở về giới tính sinh học", điều mà họ vẫn âm thầm kỳ vọng”, thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng - chuyên gia tâm lý lâm sàng - chia sẻ.
Khi gặp bác sĩ, Nam dùng ánh mắt cảnh giác, tuyên bố thẳng thắn sẽ sống đúng là con người mà mình mong muốn, đừng ai cố thay đổi cậu thành người bố mẹ muốn. Với Nam, bác sĩ chỉ là “người được bố mẹ thuê về để sửa chữa”.
Qua thăm khám, trò chuyện, bác sĩ xác định Nam bị trầm cảm nặng, kèm theo triệu chứng mất ngủ, kiệt sức, sinh ra ý nghĩ tự sát, cảm giác mình vô giá trị.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng, chuyên gia tâm lý lâm sàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sau hơn 14 tuần trị liệu tích cực, cậu dần hồi phục: Có thể ngủ, tinh thần ổn định, hành vi nguy cơ không còn. Quan trọng nhất, cậu bắt đầu hàn gắn với bố mẹ, thẳng thắn chia sẻ câu chuyện của mình.
Gia đình cũng được tham vấn để hiểu rằng, trầm cảm không phải là yếu đuối. Hành trình tìm lại bản dạng không phải “lệch lạc đạo đức”, mà là một phần bản năng con người.
Không khí trong gia đình dần thay đổi. Cha mẹ cậu bắt đầu lắng nghe. Người cha, trước đây kiệm lời và hay né tránh, giờ lên tiếng. Ông thừa nhận từng chạnh lòng khi so sánh con mình với những "người con trai chuẩn mực".
Nhưng rồi ông nhận ra: “Không phải ai sống đúng khuôn mẫu cũng tử tế. Không phải ai mang hình hài đàn ông cũng là người con tốt. Còn con của bố, chưa từng bỏ rơi bố mẹ, chưa từng đòi hỏi điều gì, vẫn luôn ở bên cạnh”.
Ông nghẹn ngào thú nhận từng sợ ánh nhìn của xã hội nhưng giờ hiểu rằng, chính con mình mới là người phải chịu đựng tất cả và vẫn mạnh mẽ vượt qua.
“Nếu ai kỳ thị con, bố mẹ sẽ cùng con chịu đựng. Con không phải gánh một mình nữa”, người bố nói.
Từ giây phút ấy, Nam nhận ra điều mình khao khát không chỉ là được sống thật, mà là được chính gia đình công nhận.