Bị quát vì tội... quá chiều chồng

Tết vừa rồi đối với gia đình chị Mỹ Quỳnh là một cái tết không vui, bởi vợ chồng chị giận nhau suốt mấy ngày Tết, thậm chí trong bữa cơm chiều 30 chị còn bị chồng quát vì cái tội đã… quá chiều chồng.

Bị quát vì tội... quá chiều chồng - 1

“Tôi là chồng cô chứ không phải con trai cô”

Mở màn trận cãi nhau xuyên Tết, xuyên năm cũ - mới của vợ chồng chị Quỳnh là cuộc tranh luận nổ ra vào chiều 29 Tết khi chị mua về cho chồng một bộ vest mới mà nghe đâu chị phải đặt hàng từ nước ngoài mấy tháng trước. Đắt tiền, kỳ công thì rõ rồi, nhưng bực một nỗi là chồng chị lại không thích. Nhìn thấy bộ vest anh đã chê ỏng chê eo cái màu mận chín của vải mà theo lời của anh là chỉ để cho mấy người làm nghề dẫn chương trình đám cưới “kính thưa quan viên hai họ” mặc, chứ anh tuổi tác thế này, mặc thế quá bằng “đú với trẻ con”. Chị bực lắm nhưng vẫn nhịn, bảo anh thì cứ mặc vào xem thế nào đã.

Vừa xỏ xong bộ quần áo vào người, chồng chị Quỳnh đã cởi phăng ra ngay không kịp để cho vợ ngắm và tuyên bố: “Anh không mặc đâu, mặc thế này thà mặc bộ cũ còn hơn”. Rồi sau đó tuôn một tràng chê bai, nào là áo thì cắt kiểu ngắn, chẽn, quần thì cứ như cái ống thổi lửa…

Đến lúc này thì chị Quỳnh tức lắm rồi, chị gào lên với chồng: “Anh có biết bộ ấy bao tiền và hãng nào không, cả đời anh không được mặc đồ hiệu nên chả biết gì về thời trang cả. Không có chuyện không mặc đâu, anh không mặc vì anh thì anh mặc vì em (!) để người ta khỏi cười vợ anh không biết lo cho chồng!”.

Vốn không quen cãi vợ trong những “tình huống đặc biệt” (anh vẫn thường nói với bạn bè mình như thế mỗi khi họ trêu anh bị vợ coi như trẻ con), chồng chị Quỳnh đành ngậm ngùi treo bộ vest lên mắc, chuẩn bị tinh thần mùng một Tết sẽ “diện vì vợ”.

Đến bữa cơm chiều 30 Tết, cả hai bên nội, ngoại tụ tập đông đủ ở nhà chị Quỳnh. Ngồi vào mâm, chị Quỳnh đã lựa gắp ngay cho chồng hai cái đùi gà mà không để ý cái nhìn của bố mẹ mình lẫn bố mẹ chồng. Đã thế chị còn nói rất to với chồng: “Anh chịu khó mà ăn đi, tranh thủ Tết ăn nhiều thịt vào cho nó có chất, ăn Tết với vợ con anh có thiếu thốn gì đâu mà cứ phải ăn rau cho nó xanh ruột”.

Không biết vì không thích ăn thịt hay vì ngượng với cách ứng xử của vợ trước mặt bố mẹ hai bên, ngượng với lũ em đang che miệng khúc khích cười ông anh bị vợ chăm như chăm trẻ con, chồng chị Quỳnh gắp trả lại hai cái đùi gà rồi buông bát đứng dậy.

Chị Quỳnh thấy thế hỏi chồng: “Anh sao thế, em chăm sóc mà anh không vừa ý là sao?”. Như chỉ đợi có thế, chồng chị Quỳnh lớn tiếng quát vợ: “Tôi nhắc lại với cô lần cuối cùng nhé, nhân tiện có sự chứng kiến của bố mẹ hai bên luôn. Tôi là chồng cô chứ không phải con trai cô nên tôi không cần cô chăm theo kiểu chăm con trai. Cô là vợ tôi chứ không phải mẹ tôi nên cô cũng đừng thương chồng như thương con như thế”. Sững sờ nhìn chồng, chị Quỳnh bỏ dở bữa cơm ôm mặt chạy vào buồng khóc nức nở…

Nếu vợ coi chồng là người đàn ông thì anh ta… là đàn ông!

Vô khối đàn ông thành đạt ngoài xã hội, ra đường được mọi người nể phục nhưng về nhà vẫn là trẻ con. Ít còn nhịn được, nhưng bị coi là trẻ con lâu ngày sẽ bùng nổ… Cũng may cho chị Mỹ Quỳnh là chồng chị mới chỉ dừng lại ở mức độ “bức xúc nội bộ” làm cho cái tết của gia đình mất vui chứ nhiều người đàn ông cũng rơi vào tình trạng như vậy đã đánh vợ hoặc cặp bồ.

Có người phụ nữ bị chồng đánh ấm ức khóc: “Sao lại có loại đàn ông ngu như thế, người ta thương người ta mới chăm lo cho từng tí một lại còn không biết điều”. Hỏi ra thì biết ra đường tuy ngồi sau nhưng người chị rướn lên phía trước để quan sát đường và chỉ đạo chồng lái. “Cao trào”, chị lấy tay nắn tay lái của chồng làm hai vợ chồng ngã chỏng gọng, lồm cồm bò dậy anh chồng vừa đau vừa tức tát vợ một cái.

Lại có người phụ nữ biết tin chồng có bồ, đi rình nghe được câu chuyện giữa chồng và bồ: “Anh thật khổ, anh thiếu một người vợ mà lại thừa một người mẹ. Nhiều lúc anh thấy mình không còn là đàn ông trong gia đình nữa. Anh yêu em vì cái sự nhỏ bé, yếu ớt, mỏng manh của em. Bên em, anh thấy mình có trách nhiệm nâng đỡ, che chở”...

Tạo hóa đã sinh ra thế giới có đàn ông và đàn bà và mỗi giới đều có một đặc điểm riêng. Thế nhưng trong thực tế gia đình thì đàn ông có phải là đàn ông không chẳng phải do anh ta tự nhận mà do người vợ nhìn anh ta như thế nào. Nếu vợ coi chồng là người đàn ông đích thực thì anh ta là đàn ông. Trái lại, nếu coi chồng là đàn bà thì anh ta là đàn bà. Thậm chí coi là trẻ con thì anh ta là trẻ con.

Điều này lý giải tại sao có nhiều người phụ nữ lại “may mắn không vớ phải ông chồng trẻ con” theo như sự ganh tị của đám bạn gái cô ta. Xin thưa, không có bí quyết nào cả ngoài lời khuyên: “Hãy để chồng được làm… đàn ông!”.

Này nhé, khi đi xe ngoài đường thay vì lái chồng hãy im lặng để anh ta lái, miễn đến nơi là được, chồng không phải trẻ con và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi chồng đi công tác, thay vì xắn tay vào chuẩn bị cho chồng, hãy để anh ta tự làm, cho dù hôm sau nửa đường ra sân bay mới nhớ là mình quên hộ chiếu. Một lần quên lần sau sẽ trưởng thành.

Theo Dương Nhi
Pháp luật Việt Nam