Bi kịch của những cô dâu bị bắt cóc, cưỡng hiếp ở Kyrgyzstan
Hàng năm có ít nhất 12.000 phụ nữ bị bắt cóc và ép kết hôn ở Kyrgyzstan, một nước nằm kín trong lục địa tại Trung Á, giáp biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan.
Năm đó, Aisuluu trở về nhà sau buổi chiều qua nhà dì ở làng At-Bashy. Lúc đó là 5 giờ chiều ngày thứ Bảy. Cô mang theo một túi giấy chứa đầy sam - một loại bánh bao bột nhồi thịt cừu, rau mùi tây và hành tây.
Một chiếc ô tô chở bốn người đàn ông đi ngược chiều Aisuluu đột nhiên quay lại. Chỉ trong vài giây đã chạy đến chỗ Aisuhuu. Một người đàn ông bước ra, kéo và đẩy Aisuluu vào trong xe. Cô gái la hét, vặn vẹo, rồi bật khóc, nhưng vẫn không thể làm gì được.
Người đàn ông đã bắt cóc Aisuluu sẽ sớm trở thành chồng của cô. Tại đám cưới, Aisuluu mới biết rằng cô thậm chí không phải là người phụ nữ mà chồng định bắt cóc để kết hôn. Trong lúc phải vội vàng về nhà và mang theo một "cô dâu", người đàn ông quyết định bắt cóc "cô gái dễ thương" mà hắn nhìn thấy đầu tiên sau khi lang thang trên đường cả buổi chiều.
Đó là năm 1996, Aisuluu lúc đó là một thiếu nữ. Hiện tại, cô và chồng, người năm đó đã bắt cóc cô đã kết hôn và có với nhau bốn người con.
Tục lệ bắt cóc cô dâu
Thông tục này được gọi là ala kachuu (tạm dịch "cướp và chạy trốn") là một tục lệ bắt cóc cô dâu có nguồn gốc từ thời trung cổ dọc theo các thảo nguyên ở Trung Á, nhưng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ala kachuu bị cấm ở Kyrgyzstan trong nhiều thập kỷ và được siết chặt vào năm 2013, với mức án lên đến 10 năm tù giam cho những ai bắt cóc phụ nữ để ép kết hôn. Trước đó, tục lệ này bị phạt tiền 2.000 soms (khoảng 570.000 đồng).
Tuy nhiên, luật mới vẫn không hạn chế được alakachuu, các vụ khởi tố cũng hiếm xảy ra. Kyrgyzstan có câu tục ngữ rằng: "Một cuộc hôn nhân hạnh phúc bắt đầu bằng tiếng khóc". Đó chính là những giọt nước mắt thể hiện sự tức giận và kinh hoàng khi các cô dâu, những người là nạn nhân của ala kachuu bắt đầu cuộc hôn nhân.
Ala kachuu có ở tất cả các nước Trung Á, nhưng đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn của Kyrgyzstan thời hậu Xô Viết, một quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo với khoảng 6 triệu tín đồ. Trong thời kỳ cai trị của Liên Xô, phong tục này rất hiếm và hôn nhân thường được cha mẹ sắp đặt.
Dữ liệu từ Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ, một tổ chức đấu tranh cho bình đẳng giới ở nước này, chỉ ra rằng, có ít nhất 12.000 cuộc hôn nhân trái với ý muốn của cô dâu đã diễn ra và kết thúc hàng năm, theo một báo cáo năm 2011. Theo tổ chức này, đàn ông bắt cóc phụ nữ để chứng tỏ bản lĩnh của họ, tránh phải tán tỉnh, điều được coi là lãng phí thời gian tẻ nhạt. Ngoài ra, nhiều đàn ông bắt cóc phụ nữ về kết hôn để tiết kiệm tiền chi cho kalym (một khoảng tiền được trao cho cha mẹ cô dâu cho công nuôi dưỡng) hoặc của hồi môn, điều có thể khiến chú rể phải chi tới 4.000 đô la.
Với ala kachuu, một số trường hợp có thể là "bắt cóc" đồng thuận khi muốn đẩy nhanh quá trình kết hôn của một cặp đôi. Cô dâu được đưa đến nhà chồng tương lai, chú rể chào đón cô gái và buộc phải mặc jooluk, một chiếc khăn trắng biểu thị sự phục tùng gia đình mới, sau đó sẽ tổ chức đám cưới. Khoảng 80% các cô gái bị bắt cóc chấp nhận số phận của mình, thường là theo lời khuyên của cha mẹ.
Theo dữ liệu từ văn phòng Unicef ở Bishkek, tỷ lệ trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi có thai ở Kyrgyzstan là cao nhất trong khu vực, trong khi 13% các cuộc hôn nhân diễn ra trước 18 tuổi, bất chấp việc đó là bất hợp pháp.
Những phụ nữ bị chồng tương lai cưỡng hiếp
Người ta ước tính rằng mỗi năm có khoảng 2.000 phụ nữ bị chồng tương lai cưỡng hiếp (con số này được cho là thấp hơn nhiều so với hiện tại). Những người phụ nữ này thường phải kết hôn trong chỉ trích bởi vì trở về gia đình cha mẹ đẻ là điều xấu hổ. Chưa kể, những cô dâu bỏ trốn cũng có nguy cơ bị bạo lực và thậm chí tử vong.
Một cô gái trong trường hợp đó là Aizada Kanatbekova, 27 tuổi, được tìm thấy bị siết cổ đến chết trên một cánh đồng vào đầu tháng 4 năm nay, hai ngày sau khi bị buộc vào một chiếc xe hơi với sự giúp đỡ của hai người qua đường. Vụ bắt cóc diễn ra vào ban ngày ở trung tâm thủ đô Bishkek, một dấu hiệu đáng báo động cho thấy điều này không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn.
Vào năm 2018, một vụ án kinh hoàng đã nêu rõ thái độ nhẫn tâm của các nhà chức trách. Nạn nhân là Burulai Turdaaly Kyzy, một sinh viên y khoa 20 tuổi bị sát hại trong đồn cảnh sát bởi kẻ đã bắt cóc cô. Hắn đâm Kyzy, sau đó khắc tên viết tắt của cô và người đàn ông cô định kết hôn lên cơ thể. Cảnh sát đã để hai người họ một mình trong phòng chờ.
Thủ phạm sau đó bị kết tội giết người và bị kết án 20 năm tù. Nhưng theo các nhà hoạt động, phần lớn các vụ bạo lực đối với phụ nữ vẫn không bị trừng phạt. Kapalova, người đã liên tục nhận được những lời đe dọa kể từ năm 2019, cho biết: "Vấn đề nằm ở văn hóa, giáo dục, chứ không phải luật pháp".
Nỗ lực thay đổi
Tatyana Zelenskaya đã làm việc với tổ chức nhân quyền Open Line Foundation để hỗ trợ các cóc cô dâu bị bắt cóc thông qua tư vấn pháp lý. Zelenskaya đã tạo ra các bản vẽ và đồ họa của Spring in Bishkek, một trò chơi trên điện thoại thông minh nhằm thuyết phục những người trẻ rằng bắt cóc phụ nữ để kết hôn không phải là một truyền thống mà là một tội ác.
Chỉ trong hơn sáu tháng, ứng dụng đã được tải xuống hơn 130.000 lần. Trong trò chơi, người chơi sẽ giải thoát cho bạn thân, người là nạn nhân bị bắt cóc. Trò chơi cung cấp tin nhắn với các gợi ý được biên soạn bởi nhà tâm lý học, nhà báo và nhà hoạt động xã hội hiển thị trên màn hình, cũng như các số điện thoại thực có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
"Ý tưởng là làm cho các cô gái hiểu rằng họ là người làm chủ vận mệnh của chính mình. Đây là lý do tại sao chúng tôi biến họ thành những nữ anh hùng có khả năng chống trả và thay đổi tiến trình của mọi thứ. Đối với thế hệ phụ nữ lớn lên với suy nghĩ rằng họ không thể làm được gì nếu không có sự chấp thuận của đàn ông thì loại bỏ khái niệm này là một việc khó khăn", Zelenskaya nói.
Ngoài ra, tham gia vào nỗ lực giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái ở Kyrgyzstan còn có một nhóm phụ nữ tám người, trong độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi, những người đứng sau Chương trình Không gian Kyrgyz. Họ đến các vùng sâu vùng xa để tổ chức các buổi hội thảo cho học sinh, đặc biệt là trẻ em gái về những kiến thức kỹ thuật, toán học, khoa học và công nghệ cơ bản đồng thời chia sẻ những câu chuyện cá nhân về sự "giải phóng" của phụ nữ.