Bên nồi bánh chưng
(Dân trí) - Ngày tôi còn bé, hễ cứ mỗi cuối đông khi mẹ nhẩm tính “còn hơn tháng nữa là đến tết” là kể từ ngày đó lũ trẻ con chúng tôi bắt đầu háo hức mong chờ. Có lẽ bởi vì nghèo đói nên mong đến tết để có những bữa no có giò, có thịt. Bởi vì tết nhất định sẽ được mẹ dắt đi may một chiếc áo hoa. Và tết sẽ được ăn những miếng bánh chưng, thứ mà ngày thường chẳng bao giờ có.
Gạo nếp để làm bánh chưng là loại gạo nếp ngon nhất được mẹ cất để dành từ vụ xuân. Đó là loại lúa gặt đúng vào độ chín, phơi được nắng, được mẹ sảy sạch những hạt lép rồi cất vào chum cẩn thận. Vào giữa tháng chạp mẹ sẽ đưa lúa đi xát gạo, sàng sảy để loại bỏ đi những hạt tấm, hạt gạo vỡ và những hạt sạn. Sau đó mẹ sẽ phân loại chỗ gạo nào để gói bánh chưng, chỗ nào để đồ xôi, chỗ nào để nấu rượu.
Thường thì từ ngày 27 tháng Chạp, mọi nhà trong làng đã bắt đầu lục rục cắt lá dong, chẻ lạt và gói bánh. Hồi đó, theo như tôi nhớ, đến nhà ai người lớn cũng chỉ hỏi: Năm nay nhà cô, nhà bác gói nhiều bánh chưng không? Nhà gói nhiều bánh chưng được mặc định là ăn tết to, tức là cuộc sống no đủ. Bên cạnh bánh chưng, người dân quê tôi còn gói thêm giò bột. Gọi là giò bột vì thành phần của nó chủ yếu là bột gạo tẻ có trộn vào ít thịt lợn xay bỏ vào cối rồi dùng chày giã nhuyễn, thêm một ít tỏi, một ít tiêu xay và gia vị. Giò sau khi nấu chín ăn có vị bùi của gạo, vị béo của thịt, vị thơm của tiêu và nước mắm. Thứ thức ăn này nghe không có gì xa xỉ nhưng vẫn vào dịp tết mới có.
Nhà tôi thường gói bánh từ trưa 29, sẩm tối thì bắc nồi lên bếp lửa. Thường thì sau khi hoàn thành nốt những việc lặt vặt, cả nhà tôi sẽ quây quần bên nồi bánh chưng. Chị em tôi thường lấy vài củ khoai lang, ít củ hành lùi vào nướng dưới những đốm than hồng trong bếp, vừa ngồi hóng chuyện người lớn vừa nhóp nhép ăn. Dưới ánh lửa bập bùng, gương mặt ai cũng hồng lên lấp lánh. Gương mặt cha như bớt gầy, khuôn mặt mẹ như bớt khắc khổ. Cha mẹ tôi kể chuyện thời các cố các can ngày xưa. Anh tôi kể chuyện những tháng ngày lăn lộn mưu sinh nơi đất khách.
Có những kỉ niệm như một nỗi nhớ khắc sâu trong tim, hầu như năm nào ngồi bên nồi bánh chưng anh cũng kể, đến nỗi chỉ cần anh bắt đầu bằng câu: “Con nhớ hồi con 7 tuổi…” là tôi biết anh lại kể về câu chuyện cũ. Hồi ấy tôi và thằng út còn chưa ra đời. Vào chiều hai mươi tám tết, mấy nhà trong làng mổ lợn, mẹ cũng đi mua được hai cân bảo anh trai tôi mang về nhà cất. Chả biết anh cất thế nào mà đến lúc mẹ về chẳng thấy thịt đâu, tìm quanh thì mới hay miếng thịt đã bị con chó tha ra sau hè cắn nham nhở gần hết. Mẹ tôi bảo anh: “Thôi, thế là hết thịt ăn tết rồi con ơi”, vậy là hai mẹ con ôm nhau khóc. Ông bà anh em biết chuyện, mỗi người đem cắt cho một miếng thịt nhỏ, cuối cùng nhà tôi cũng có một cái tết như bao nhà. Chuyện xưa cũ lắm rồi, vậy mà tết năm nào anh tôi cũng kể, kí ức khổ nghèo hiện về trong ánh mắt rưng rưng.
Sau này khi đời sống dần dần khá hơn, tôi không còn mong tết để được ăn no mặc đẹp nữa mà chỉ mong đến tết để được sum vầy. Để anh chị em ba chốn bốn phương về tụ họp, để mẹ cha vui khi biết con cái sắp về, để được ngồi bên nhau kể về những kỉ niệm, những lo toan, những ước mơ, dự định.
Tôi lấy chồng, làm dâu phố xá. Tết ở phố, mọi thứ thật đơn giản nhẹ nhàng. Chỉ cần ngày cận tết, chạy ra cửa hàng mua vài cặp bánh chưng, chẳng phải còng lưng ngồi rửa lá dong, mắt xè cay vì bóc tỏi, bóc hành và những đêm ngủ gục để canh nồi bánh. Vậy mà năm nào cầm cặp bánh chưng trên tay cũng thẫn thờ vì nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ. Nhớ đêm cuối năm ngoài trời tối như bưng và gió lạnh nhưng lòng ai cũng hân hoan bên nồi bánh chưng với những câu chuyện cả vui lần buồn thủ thỉ bên tiếng lửa hồng reo tí tách. Mới hay rằng đó là những khoảnh khắc quý giá sum vầy mà khi mỗi người lớn lên, mỗi người đều có gia đình riêng đều không thể nào tìm lại được.
Năm nào cha mẹ tôi cũng gói bánh chưng, nhưng số lượng bánh mỗi năm lại ít dần vì những đứa con gái cứ lần lượt về nhà chồng, anh trai thì lập nghiệp ở xa, vài ba năm mới về ăn tết với mẹ cha một lần. Và vào những ngày cuối tháng chạp, tôi luôn hình dung dưới mái nhà thân thương ấy có hai bóng dáng già nua vẫn lụi cụi rửa lá dong, ngâm gạo nếp, giã tỏi, bóc hành, rồi lặng lẽ ngồi bên nhau khơi lửa. Câu chuyện có lẽ cũng chỉ quẩn quanh về những đứa con, về những nỗi lo mà bậc làm cha làm mẹ chẳng bao giờ cho phép mình được thảnh thơi dù con mình đã lớn khôn, đã làm cha làm mẹ. Và tôi ước, dù chỉ một phút thôi được trở về những ngày tôi còn thơ bé, để lại được cùng cha cùng mẹ, cùng chị cùng anh ngồi bên nồi bánh chưng vừa trò chuyện râm ran, vừa tí tách cắn hạt dưa, vừa thổi vừa ăn những củ khoai lang nướng thơm nóng hổi.
Lê Giang