Bé trai 1 tuổi bị bạo hành và nỗi day dứt trong tôi

Câu hỏi đặt ra là vì sao xã hội càng phát triển mà những hành vi ngược đãi, bạo hành con trẻ gần như có chiều hướng không giảm. Xu hướng cứ bực tức, giận dữ liền trút lên đầu con trẻ ngày càng dễ dàng tới thế?

Dư luận bàng hoàng khi nghe thông tin một bé trai chưa đủ 12 tháng tuổi bị bạo hành nghiêm trọng giữa Thủ đô.

Cụ thể, cháu bé được làm rõ tên thật là T.T.A, sinh ngày 23.8.2016, tức chưa tròn 1 tuổi.

Bé A nhập Viện Nhi trung ương trong tình trạng co giật, có rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể, trầy xước bộ phận sinh dục và chân tay.

Phía công an thông tin, có một người đứa bé A vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) xong vội chuyển lên Bệnh viện Xanh Pôn nhưng bé trở nặng nên người này buộc phải đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương.


Bé A bị bạo hành dã man

Bé A bị bạo hành dã man

Người đưa bé A vào ngay sau đó đã bỏ đi rất nhanh. Thật may, ngay trong ngày, Công an đã mật phục và giữ được người này khi trở lại Viện dò la tình hình về bé A.

Tại cơ quan công an, người này khai được mẹ của bé A nhờ nuôi hộ do mẹ của A đang thụ án tù?

Khi chúng tôi gọi điện cho PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Lê Thanh Hải giọng rất buồn: Cháu bé nhập viên đã 2 ngày nay. Hiện giờ sức khỏe đã ổn định. Lúc cháu bé mới vào viện, nhiều bác sỹ nhìn cháu bầm dập mà không cầm được nước mắt, người lớn nào mà hành xử với cháu như vậy là quá tàn ác.

Rồi đây, những hành vi bạo hành, xuống tay dã man như với bé A. sẽ bị pháp luật trừng trị. Thế nhưng, tôi tin, nỗi ám ảnh và nỗi hoảng sợ sẽ dai dẳng đeo bám suốt cuộc đời của bé A.

Tôi lớn lên từ một xóm nghèo. Ngày đó, xóm tôi chủ yếu là công nhân, người làm thuê, làm mướn ở. Gần như ngày nào tôi cũng phải chứng kiến cảnh những cô cậu bạn bằng tuổi tôi bị bố mẹ, người lớn cho ăn đòn đến nỗi bầm tím, đi cà nhắc.

Trong số đó, tôi không quên một cậu bạn ngay gần nhà. Cậu này, dẫu cho bố mẹ đánh cỡ nào cũng không hề kêu khóc. Thế rồi, tới khi tôi học lớp 10 thì bỗng nghe tin cậu bỏ học và gia nhập một băng nhóm giang hồ. Gặp tôi, cậu còn khoe: Bố tớ không dám đánh tớ nữa.

Thế rồi tôi “chết sững” khi nghe tin cậu giết người và bị công an bắt. Trong vai trò là một phóng viên khi tòa soạn phân công đi viết bài, tôi gặp cậu trong trại tạm giam và hỏi: Sao ấy lại giết người?

Ánh mắt vô hồn, cậu nói: Tuổi thơ tôi toàn hứng roi vọt, tôi chúa ghét những gia đình nào giàu có, hạnh phúc!

Thế đấy, những trận đòn giáng xuống đầu con trẻ chỉ khiến trẻ con lì lợm, hung dữ hơn chứ không hề ngoan đi như suy nghĩ của người lớn.


Các y, bác sĩ, nhân viên phòng Công tác xã hội của Viện Nhi đang chăm sóc cho bé A.

Các y, bác sĩ, nhân viên phòng Công tác xã hội của Viện Nhi đang chăm sóc cho bé A.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 5 phút qua đi lại có một em bé chết vì bạo lực.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của tổ chức này tại Việt Nam cho thấy, có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.

Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) thì cho hay, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện.

Câu hỏi đặt ra là vì sao xã hội càng phát triển mà những hành vi ngược đãi, bạo hành con trẻ gần như có chiều hướng không giảm?

Phải chăng bạo lực đang lên ngôi và xu hướng cứ bực tức, giận dữ liền trút lên đầu con trẻ ngày càng dễ dàng tới thế?

Và nhói lòng thay, vai trò của cộng đồng, hội đoàn, chính quyền ở đâu khi con trẻ bị hành hung, ngược đãi tới mức như vậy?

Đấy vẫn là những câu hỏi day dứt không dễ gì trả lời.

Trong nỗi day dứt đó có một phần trách nhiệm của chính chúng ta.

Theo Lê Linh
Dân Việt