"Bạo hành hò hẹn" ngày càng tăng trong giới trẻ

Xu hướng bạo lực giữa các đôi chưa kết hôn ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Tại sao vẫn còn nhiều người đàn ông tự cho mình quyền được dạy dỗ, kiểm soát hoặc cưỡng hiếp người yêu?...

Tại Hà Nội, trong một gian phòng mờ tối không thấy mặt người, có một cô gái trẻ nói giọng miền Nam đã quyết định chia sẻ câu chuyện riêng của mình. Cô bảo: “Quyết định em đứng lên chia sẻ việc này, cũng rất khó khăn, không hề dễ…”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô chia sẻ: “Trước đây em có hẹn hò với một người đàn ông và rất muốn ở bên người đó. Anh ta có uy tín, có địa vị trong xã hội. Ở cộng động của mình, anh ấy là ở dưới một người mà trên rất nhiều người. Anh ấy cũng được nhiều yêu mến. Tuy nhiên, sau 2 năm yêu nhau, tự nhiên em cảm thấy tình cảm của mình có gì đó bất ổn. Nên em muốn dừng lại. Khi ấy, anh người yêu cũng nói đồng ý, nói sẽ tôn trọng quyết định của em. Nhưng trên thực tế, anh ấy vẫn tìm mọi cách để quan tâm, gặp gỡ, thuyết phục… 1 năm sau ngày nói chia tay, em rơi vào 1 khủng hoảng cá nhân. Khi ấy, cả thể xác, tinh thần rất yếu và em muốn có 1 người có thể chia sẻ, thương mình và giúp mình chữa lành được vết thương. Lúc này, anh ấy vẫn là 1 trong số những đối tượng em hay nghĩ tới. Anh ấy là người vẫn đang trong tâm thế: “Em có thể nhớ đến anh, anh có thể giúp đỡ em…”.

Cô đã tin điều đó nên quyết định đồng ý nối lại quan hệ. Nhưng, trong cái đêm thứ 2 kể từ khi gặp lại, anh người yêu đã thể hiện khát khao muốn gần gũi với cô về thể xác. Trong khi ấy, cô hoàn toàn không muốn một chút nào. Cô đã thể hiện rõ thái độ là mình không muốn và bảo nếu anh ta tiếp tục, cô sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta. Nhưng thay vì dừng lại, anh người yêu tiếp tục ép cô. Cô đã tự vệ bằng cách tát anh ta một cái rất đau. Nhưng sau cú tát đó, anh ta như bị biến thành con quái vật và đã biến hành vi cưỡng ép của mình mạnh mẽ, dứt khoát hơn…

Cô cho biết: “Vẫn còn nhiều người người đàn ông (người yêu) tự cho mình có một quyền lực vô hình với cơ thể người yêu… Em nghĩ, nhiều cô gái trẻ ở Việt Nam hiện nay, sau khi đã lỡ quan hệ tình dục với người yêu rồi thường không dám đứng ra để bắt đầu lại một quan hệ với người khác; con gái sẽ thường có suy nghĩ “mình đã là người của anh ấy” nên ngay cả khi tình cảm kết thúc, bị cưỡng ép… người con gái cũng không có can đảm để nói chia tay với người ấy”.

Bạn Mai - sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội - cũng đã kể câu chuyện của mình. Mai có người yêu đã được 3 năm. Anh này là người luôn có cách thể hiện sự quan tâm, bày tỏ tình cảm một cách đầy kiểm soát và thái quá. Mỗi ngày, anh ta thường gọi điện cho Mai vài lần để chỉ hỏi xem cô đang làm gì, ở đâu, với ai… Anh ta còn ghen tuông đến mức cấm Mai không được thân thiết với những người đàn ông khác dù là bạn bè hay anh rể. Mai thích tham gia các hoạt động liên quan đến tình nguyện, công tác xã hội tuy nhiên, cô cũng không được làm vì người yêu không đồng ý. Dù Mai có giải thích, thuyết phục, chứng minh bằng hành động “trong sáng” thể nào thì cũng rất khó có được sự tin tưởng của người yêu. Mệt mỏi, ức chế với mối quan hệ này, Mai đã từng nói lời chia tay. Tuy nhiên, anh người yêu này lại đe doạ sẽ làm hại đến cô nếu cô rời bỏ anh ta. Vì sợ hãi, Mai vẫn còn đang phải tiếp tục chịu đựng sự “bạo hành tinh thần” từ người yêu.

Vũ Kiều Oanh (SN 1990) đến từ Lào Cai đang sinh sống ở Hà Nội. Cô cho biết: “Khi có người yêu, anh ấy nói với mình rằng mình là đứa cứng đầu, lì lợm, ngang bướng, không biết nghe lời. Anh ấy hay nói “là đàn ông thì thường thích con gái biết nghe lời chứ không thích những người con gái hay cãi lại”. Trong khi đó, Oanh lại nghĩ khác, cô nghĩ, những gì người yêu nói chưa đúng thì mình phải góp ý, nhưng người yêu vẫn không thích như thế mà cho rằng Oanh "cứng đầu", không biết nghe lời. Vì cho rằng cô có lỗi là cứng đầu nên anh người yêu đã muốn làm cho cô mềm đầu hơn, phải uốn nắn cô, sau đó anh ta túm tóc cô, đập đầu cô vào tường, lấy những thứ xung quanh cô và đánh cô, nói rằng làm như thế là để "dạy dỗ" để cho cô sợ và biết nghe lời hơn.

Sau nhiều lần bị người yêu đánh rất là nhiều, đặc biệt là bị vào đầu, Oanh rất sợ, đau đến choáng váng.

Cái câu mà Oanh nghe nói rất nhiều lần là “Cô là người cứng đầu, nên bị đập vào đầu”. Sau nhiều lần bị đánh, Oanh đã quyết định không bao giờ gặp lại người đàn ông đó nữa. Cô từng nghĩ, cái cảm giác nếu như bị một người xa lạ đánh đập mình có khi còn dễ chịu hơn là bị chính người yêu mình đánh. Cô không thể hiểu được và không thể chấp nhận được tại sao một người vừa có thể là người yêu lại có thể vừa giơ tay lên đánh cô nhiều thế?

Bây giờ chuyện ấy đã qua rồi và cô đã hiểu rằng bản thân anh ấy cũng là “nạn nhân” khi cũng chịu áp lực với những định kiến là đàn ông thì phải mạnh mẽ, phải có quyền lực, phải dạy được phụ nữ… Nếu gặp phải người con gái mà anh ta nói cô ấy không nghe lời thì khiến đàn ông cảm thấy bế tắc, sẽ không biết phải làm gì. Chính cái định kiến sai lầm về vai trò giới đấy đã là cái nguyên nhân đẩy đến hành vi khiến cho người đàn ông sử dụng bạo lực - bạo hành với phụ nữ.

Khái niệm “bạo lực hẹn hò” ở Việt Nam được nghiên cứu bởi nhóm Y.Change (Phụ nữ trẻ tạo ra thay đổi) với sự hỗ trợ của UN Women. Theo đó, mới đây nhóm đã đưa ra những con số khá bất ngờ thông qua các khảo sát thực tế với 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18-30. Kết quả, gần 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, thậm chí, hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử...

Theo T/H
Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm