Bạo hành gia đình gia tăng thời Covid-19: Những vết thương tâm lý nặng nề

Ngọc Linh

(Dân trí) - Dịch bệnh kéo dài, vợ chồng ở nhà tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tài chính khó khăn dẫn đến những mâu thuẫn căng thẳng trong hôn nhân, vô tình phụ nữ trở thành nạn nhân bạo lực gia đình vì dịch bệnh.

Những vết thương tâm lý nặng nề

Những vết bầm trên gò má, bên cạnh sườn đã mờ dần, nhưng nỗi ám ảnh về những ngày qua, khi ở nhà và chịu những cơn phẫn nộ của chồng, chị Trần Thị Tuyên (32 tuổi, Thái Nguyên) vẫn không nén được nước mắt. 

"Cuộc sống kinh tế khó khăn, con cái đến tuổi ăn học, có thể vì áp lực kinh tế nên chồng tôi thỉnh thoảng có cáu gắt, thậm chí động tay động chân ngay trước mặt con cái vì những lý do vớ vẩn. Dù có giận và nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn xong cứ nghĩ đến con tôi lại ứa nước mắt", chị Tuyên nức nở.

Bạo hành gia đình gia tăng thời Covid-19: Những vết thương tâm lý nặng nề - 1

Bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng trong đại dịch (Ảnh minh họa). 

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà hàng đóng cửa, cả gia đình kẹt lại Hà Nội. Nhà hàng đóng cửa theo chỉ thị 16, chị Tuyên mất việc nên ở nhà trông con. Cả gia đình 5 người giờ chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người chồng. Cũng từ lúc đó những trận bạo hành cũng gia tăng. 

Chưa hết ám ảnh vì những trận đòn của chồng, chị Tuyên nghẹn ngào kể: "Quần quật với ba đứa nhỏ tối mắt tối mũi cả ngày, giờ trưa chồng đi làm về chưa kịp luộc rau ăn cơm, anh cũng nổi khùng lên động tay động chân, chửi bới bằng những lời xúc phạm.

Anh ta bảo: "Mẹ con chúng mày tốt nhất cút ra khỏi nhà cho tao khỏi ngứa mắt". Mấy đứa con chỉ nem nép ôm nhau trong góc nhà, con tôi bất lực vì khi ấy dịch bệnh có muốn đưa các con đi đâu cũng chẳng được nữa. 

Nhắc chồng bữa ăn dùng ít rượu thôi, hại sức khỏe anh ta cũng sẵn sàng chạy vào bếp cầm dao hù dọa bốn mẹ con. Cửa nhà vì thế mà tôi chẳng dám đóng bao giờ, để lỡ có gì chẳng may mấy mẹ con còn biết đường chạy trốn". 

Câu chuyện đau lòng không của riêng chị Tuyên, những lời kể trong nước mắt của chị Hoàng Thị Nga (24 tuổi, Hà Nội) cũng khiến người đối diện không dám tưởng tượng những tháng ngày chị vừa trải qua. 

Từ giữa năm 2020, công việc kinh doanh của vợ chồng chị Nga thua lỗ vì ảnh hưởng của đại dịch. Áp lực tiền bạc và dịch bệnh kéo dài liên miên khiến vợ chồng chị xảy ra nhiều xích mích. 

Chồng say xỉn rượu chè liên miên, chị Nga đành gọi về cầu cứu, nhờ bố mẹ chồng khuyên nhủ. Nhưng khi bố mẹ chồng gọi điện khuyên răn, anh ta không những chẳng thay đổi mà còn đánh đập vợ vì cho rằng chị nhiều chuyện, lắm lời. Nhiều lần định đâm đơn ra tòa ly hôn, song áp lực từ hai bên gia đình khiến chị không đành lòng. 

"Đỉnh điểm là khi mẹ tôi không may bị ngã, tôi bàn với chồng chuyện tiền nong lo cho mẹ vì nhà chỉ có tôi là con gái lớn. Chuyện có thế thôi nhưng là nguồn cơn khiến tôi nhập viện mất hai ngày. Bị chồng đánh bầm dập cả cánh tay, rách mí mắt nhưng tôi cũng không dám hé răng nói với bố mẹ nửa tiếng", chị Nga nói không thành lời. 

Lời khuyên từ chuyên gia tâm lý

Chia sẻ về vấn nạn bạo lực gia đình trong thời điểm dịch bệnh, chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247) nhận định: "Bạo hành trong gia đình không phải là một vấn đề xa lạ trong hôn nhân ở Việt Nam hay trên thế giới. Hơn 90% người bị bạo hành là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực cuộc sống, việc bạo hành trong gia đình cũng vì thế mà tăng cao".

Trong 6 tháng trở lại đây, trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247 nhận được số lượng cuộc gọi tư vấn về bạo hành trong gia đình tăng cao gấp 3 lần so với 6 tháng trước đó.

Bạo hành gia đình gia tăng thời Covid-19: Những vết thương tâm lý nặng nề - 2

chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247). 

Chuyên gia Mai Việt Đức lý giải, có 2 nguyên nhân chủ yếu làm tăng cao bạo hành gia đình trong thời dịch bệnh Covid-19:

Thứ nhất, sự khó khăn về thu nhập khi phải giãn cách xã hội, vợ/chồng mất việc. Gia đình không có nguồn tài chính dự phòng để sử dụng dẫn tới lo lắng "cơm áo gạo tiền" tạo ra căng thẳng trong tâm lý. Khi không tìm ra cách để giải quyết tình hình, con người dễ trở nên nổi nóng và phát tiết ra những người xung quanh.

Dân gian vẫn có câu: "Nhàn cư vi bất thiện", thời gian nhàn rỗi quá nhiều so với ngày thường, vợ/chồng cả ngày ở trong nhà quanh ra quẩn vào chỉ ăn uống, nghỉ ngơi rồi con cái… Dẫn tới chán nản và nảy sinh tiêu cực. Khi suy nghĩ tiêu cực sẽ thấy mọi vấn đề trầm trọng hơn, cuộc sống ngột ngạt, khó chịu… Đây cũng là nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi và bạo hành.

Để hạn chế bạo hành trong gia đình, phụ nữ cần chú ý những điều sau:

- Giao tiếp, tâm sự với chồng thường xuyên để nắm bắt tâm lý của anh ấy. Đặc biệt những lúc thấy chồng mệt mỏi, căng thẳng cần động viên và xoa dịu kịp thời.

- Lên kế hoạch chi tiết những công việc hàng ngày để thực hiện với chồng, con. Thay đổi các công việc luân phiên mỗi ngày, mỗi tuần để tránh bị lặp lại gây nhàm chán.

- Tạo điều kiện cho các con được gần bố khi ở nhà, việc chơi với trẻ giúp các ông chồng kiềm chế được tính khí nóng nảy của bản thân.

- Chọn những bộ phim hay, ý nghĩa cho gia đình cùng xem mỗi ngày, giúp nuôi dưỡng cảm xúc và tình cảm trong gia đình.

- Lập một cuốn sổ hoặc tạo một hòm thư cho gia đình, kết thúc một ngày mọi người viết những suy nghĩ của mình vào đó, cuối tuần cả nhà dành thời gian cùng đọc và chia sẻ. Giúp cả nhà học cách lắng nghe và thấu hiểu nhau nhiều hơn.

- Tìm lời khuyên, sự hỗ trợ từ các đường dây nóng hoặc chuyên gia tâm lý khi thấy vấn đề nằm ngoài khả năng kiểm soát.

Cách giải quyết khi gặp bạo hành:

- Không đổ thêm dầu vào lửa. Khi chồng đang mất kiểm soát, hãy giữ im lặng và tìm cách xoa dịu cơn nóng giận của anh ấy, nói "xin lỗi" ngay cả khi bạn không sai để anh ấy bình tĩnh lại.

- Trường hợp nguy cấp, cố gắng tạo khoảng cách và bảo vệ bản thân (vào phòng riêng, phòng vệ sinh và đóng chặt cửa) liên lạc nhờ người trợ giúp.

- Không giữ tâm lý chịu đựng cho qua mọi chuyện, liên hệ ngay với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhờ can thiệp và kiểm soát vấn đề từ sớm.

"Với nạn bạo hành trong gia đình, cách tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phụ nữ hãy là người khôn khéo và chủ động trước với những tình huống có thể xảy ra để bảo vệ an toàn cho bản thân", chuyên gia Mai Việt Đức chia sẻ.