Bạn trai gói hết đồ ăn thừa ở nhà hàng mang về và cái kết khiến tôi xấu hổ

Giang Hà

(Dân trí) - Khi bữa ăn kết thúc, trong lúc gọi nhân viên thanh toán tiền, anh còn xin thêm hộp để đựng thức ăn thừa. Tôi nhìn anh, trong lòng bỗng dấy lên sự ái ngại.

Tôi và bạn trai quen nhau đã 3 tháng. Sau nhiều lần trò chuyện qua mạng xã hội, tình cảm bắt đầu nảy sinh. Tuần trước, trong buổi đầu tiên đi uống cà phê, anh thổ lộ tình cảm và tôi đã vui lòng đón nhận.

Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, anh ấy mời tôi đi ăn nhà hàng, ăn gì và ở đâu, anh để cho tôi chọn.

Tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó, học xong đại học kiếm được tiền cũng phải lo tiết kiệm, không dám tiêu xài hoang phí. Tôi không hay đi ăn ngoài nên không biết chỗ nào ngon hay dở nên tùy ý anh chọn.

Bạn trai gói hết đồ ăn thừa ở nhà hàng mang về và cái kết khiến tôi xấu hổ - 1
Tôi xấu hổ vì những suy nghĩ của mình dành cho bạn trai trong bữa ăn tối (Ảnh minh họa: Freepik).

Anh đến tận nhà trọ đón tôi, còn chu đáo mua tặng tôi một bó hoa hồng rực rỡ. Nghe anh nói chuyện, nhìn xe anh đi, quần áo anh mặc, tôi biết anh là người có tiền. Đã thế, tính cách của anh còn rất tình cảm, điềm đạm khiến tôi càng tiếp xúc, càng "mê như điếu đổ".

Anh đưa tôi đến một nhà hàng hạng sang nằm ở trung tâm thành phố, cẩn thận hỏi tôi có dị ứng với loại thực phẩm nào không? Suốt bữa ăn, anh đều tập trung vào tôi, quan tâm xem món ăn có hợp khẩu vị tôi không? Anh còn bảo tôi hơi gầy, phải chú ý ăn uống để bảo đảm sức khỏe.

Đây đích thị là mẫu đàn ông "bên ngoài ấm áp, bên trong nhiều tiền" mà cánh con gái chúng tôi đều ngưỡng mộ. Thế nhưng, cảm xúc ấy không tồn tại được lâu.

Khi bữa ăn kết thúc, trong lúc gọi nhân viên thanh toán tiền, anh còn xin thêm hộp để đựng thức ăn thừa. Khi nhân viên mang hộp ra, anh cẩn thận xếp từng phần thức ăn vào hộp một cách cẩn thận. Vừa làm, anh vừa nói: "Toàn đồ ăn ngon như thế này, bỏ lại người ta cũng bỏ đi rất là hoài phí". Tôi nhìn anh, trong lòng bỗng dấy lên sự ái ngại.

Trên đường về, anh kể với tôi về việc bố mẹ anh ly hôn từ khi anh còn nhỏ. Mẹ anh theo họ hàng ra nước ngoài làm ăn, tuổi thơ anh sống với ông bà ngoại. Với anh, bà ngoại như người mẹ thứ hai. Bà rất mong sớm có cháu dâu.

Tôi ngồi nghe anh kể, thỉnh thoảng chỉ cười. Thú thật, từ lúc thấy anh cẩn thận trút từng đĩa thức ăn vào hộp, lòng tôi có chút thất vọng. Cảm giác như anh là kiểu người chắc lép, ki bo, một chút đồ ăn thừa cũng tiếc.

Đang đi, bỗng anh từ từ dừng xe lại, cầm hộp đồ ăn bước xuống xe đi bộ sang bên kia đường. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy anh ngồi xuống , ở đó có một cụ già đang ngồi co ro ở đó. Ánh mắt tôi nhòe đi, lòng ngập tràn nỗi hổ thẹn.

Rồi anh lên xe, nói tiếp câu chuyện còn dang dở, không hề nhắc gì đến việc mình vừa làm, như thể đó là hành động bình thường và quen thuộc. Tôi nghĩ lại bản thân mình, rõ ràng xuất thân nghèo khó, thấm thía cảnh nghèo, vậy nhưng lúc nào cũng nghĩ đến sĩ diện.

Còn anh, lớn lên trong sung sướng, đủ đầy vẫn không quên những mảnh đời khốn khổ. Anh không cần biết người ta nhìn anh như thế nào hay nghĩ như thế nào. Anh nâng niu từng món đồ ăn, trao tặng cho những người cần nó.

Một hành động nhỏ của anh nhưng có ý nghĩa lớn vô cùng. Và tôi biết, nếu không muốn mất anh, tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều về mọi mặt và cả cách nhìn người, nhìn đời. Tấm lòng nhân hậu của anh khiến tôi cảm thấy hổ thẹn khi nhớ lại những suy nghĩ của mình.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.