Bà cô

(Dân trí) - Bố mẹ tôi li dị từ lúc tôi học lớp 7. Gia đình tôi sạt nghiệp, bố thuê nhà ở với vợ sau, mẹ bôn ba vào Nam làm ăn, tôi được cô ruột nhận về nuôi dưỡng.

Bà cô

Suốt mấy tháng đầu ở nhà cô, tôi sống gần như trầm cảm. Tôi nhớ mẹ kinh khủng và lúc nào cũng ám ảnh suy nghĩ cô không thương tôi, chẳng qua vì trách nhiệm nên mới phải nuôi tôi. Nếu thương, cô đã không bắt tôi gấp chăn, quét nhà, tưới cây... Những việc đó lúc còn ở với bố mẹ, tôi không bao giờ phải động tay vào. Nếu thương, cô đã không bắt tôi ngồi vào bàn học mỗi đêm. Cô chẳng thể nào bằng mẹ, mẹ yêu thương và hiểu tôi nên chỉ cần tôi giả vờ kêu đau đầu hay buồn ngủ mẹ đã lo sốt vó, mở TV cho tôi xem giải trí hoặc mắc màn cho tôi đi ngủ.

Tôi thầm gọi cô là bà cô khó tính. Không khó tính mới lạ, gần 50 tuổi, cô vẫn chưa một lần kết hôn. Cô bắt thay đổi rất nhiều thứ. Lúc sống trong vòng tay bố mẹ, đến bữa tôi được xúc cho một tô cơm để vừa ăn vừa chơi máy tính, đi học hay đi chơi cũng đều được bố mẹ đưa đón. Còn bà cô của tôi nghiêm khắc nhất trần đời. Mỗi bữa tôi phải giúp cô dọn bàn ăn, phải ngồi ăn ngay ngắn không được chơi điện tử. Đi học tôi phải tự đạp xe. Đến chén bát tôi cũng phải rửa.

Ở với bà cô, tôi thấy tù túng. Ra khỏi phòng không tắt điện bị nhắc nhở, rửa tay xả nước xối xả bị la, xin tiền tiêu vặt nhiều cũng bị răn dạy. Tôi biết vì bố mẹ tôi khó khăn không gửi tiền cho cô nuôi tôi, tự cô phải bỏ tiền túi nên mới bực mình đến vậy.

Tôi vẫn thầm trách cô vì tôi chỉ lãng phí điện, nước một tí cô đã quở trách trong khi với người dưng thì cô hay làm từ thiện. Đi ngoài đường gặp bà cụ ăn mày, cô sẵn sàng mua hộp xôi tặng bà, đọc trên báo thấy có người bất hạnh, cô lại gửi ít tiền ủng hộ. Tôi cứ nghĩ cô phải rất dư dả mới làm như vậy.

Rồi một hôm đi học về, đứng sau cánh cửa, tôi nghe rõ tiếng cô gọi điện cho ai đó, giọng buồn bã, năn nỉ: “Em xin lỗi vì hay làm phiền chị nhưng tuần sau em mới có lương mà thằng Thắng sắp phải đóng học phí, bắt nó đóng muộn, nó xấu hổ với bạn bè, chị cho em mượn nốt lần này thôi”. Thấy tôi vào nhà, cô hơi vội dập máy, chuyển sang giọng vui vẻ, giục tôi thay đồ còn ăn cơm.

Tôi từ đó bắt đầu để ý, mỗi sáng cô cho tôi 20 ngàn để đi ăn sáng cùng bạn nhưng cô ở nhà chỉ ăn cơm nguội hoặc củ khoai lang luộc. Cô rất ít khi mua sắm quần áo hay thuốc bổ cho bản thân nhưng trong tủ lạnh, trái cây, sữa tươi để tôi ăn bồi dưỡng thì lúc nào cũng sẵn. Dù nhà có bếp gas, cô vẫn thường xuyên nấu bếp củi để tiết kiệm chi phí, nhưng chuyện học hành của tôi thì cô không tiết kiệm chút nào, cô thuê cả gia sư về nhà kèm tôi mỗi tuần 3 buổi. Tôi bấy giờ mới hiểu cô phải chắt bóp lắm mới có thể cho tôi ăn học đầy đủ nhờ đồng lương công chức còm.

Có lần lẻn vào phòng cô nhìn thấy trên bàn cô ngổn ngang những sách, tạp chí, cẩm nang về nuôi dạy thiếu niên, tôi bất giác tưởng tượng đến cảnh cô mỗi ngày còng lưng, đeo kính đọc những thứ đó vì hoang mang không biết phải dạy dỗ tôi thế nào khi bản thân cô chưa từng lập gia đình, không con cái.

Tôi bây giờ đã đi làm, vẫn sống với cô nhưng không còn cay cú, trẻ con như ngày nào. Không có cô răn dạy, có lẽ tôi mãi là thằng công tử bột lười biếng, ham chơi. Tôi mong bà cô khó tính của tôi mãi sống khỏe mạnh, đợi ngày tôi đưa cháu dâu về ở chung nhà và sinh thêm vài đứa nhóc, giao quyền cho cô tôi “xử lý”.

May

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm