"Anh tìm vợ người ta mà lấy!" - nỗi bức xúc của vợ suốt ngày bị chồng chê
(Dân trí) - Mạng xã hội đang nóng lên câu chuyện "chồng khen vợ hàng xóm cũng là bạo lực gia đình". Một vấn đề nhỏ được mang ra bàn trước cuộc họp Quốc hội đã thu hút sự chú ý của rất - rất nhiều người.
Vấn đề không phải vì nó là "chuyện nhỏ", mà vì nó nói đúng quá nỗi lòng của những người đang phải âm thầm chịu đựng sự bạo hành tinh thần rất mơ hồ, không dễ gì nói ra được, không dễ gì mô tả cụ thể được, cứ im lặng mà chịu đựng trong suốt bao nhiêu năm hôn nhân vậy thôi, như cái gai ghim trong ngón tay cứ động vào là lại nhói.
Chị Hoài Phương, 29 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty địa ốc tại Hà Nội giãi bày:
"Thấy mọi người trên mạng mấy hôm nay cứ bàn luận xôn xao chuyện này, có người cảm thấy buồn cười vì chuyện nhỏ nhặt vậy mà đưa lên bàn trong cuộc họp Quốc hội, nhưng với mình thì chuyện đó không nhỏ chút nào, chẳng qua mọi người cứ nghĩ nó "nhỏ" nên trước giờ chẳng ai đả động đến thôi".
Chị Hoài Phương kể, là một người vợ, chị cũng cảm thấy rất khó chịu, có lúc còn trầm cảm, khủng hoảng tinh thần khi chồng chị suốt ngày khen "vợ người ta" nhưng với vợ mình thì chỉ toàn chê bai, chì chiết.
Vợ chồng chị nhiều lần lục đục vì chồng tỏ thái độ, nói thẳng vào mặt vợ là "em thế này", "em thế kia", "sao em không được như cái A. vợ thằng B. nhỉ". Nói thẳng mặt vợ chưa đủ, anh còn tìm cả bạn bè của vợ để kể xấu, chê bai vợ.
Chồng chị Hoài Phương chê vợ nấu ăn không ngon, ứng xử không khéo léo, để cửa nhà bề bộn, không hòa nhã với mẹ chồng, không biết chăm con nên con hay ốm vặt. Trong khi tính chị là người chân thật có sao nói vậy không biết lấy lòng mẹ chồng, làm gì cũng hơi chậm chạp.
"Trăm thứ việc đổ lên đầu nhưng chồng không giúp, mẹ chồng thì khó tính hay xét nét, phê bình con dâu, chồng hết giờ làm còn bận đi đá bóng, đi nhậu, đi chọi gà, không đỡ đần vợ được bất cứ việc gì, chỉ hở ra là chê, mình đố ai mà hòa nhã nổi", chị Hoài Phương nói.
Chị cho biết bản thân luôn cảm thấy rất stress với cuộc sống vợ chồng mà ngày đôi ba bận cãi nhau vì những lời chì chiết với mức độ từ nhẹ đến nặng nề của chồng. Chồng chị luôn không vừa mắt với vợ, thích so sánh vợ mình với vợ người ta, tâng vợ người ta lên tận mây xanh nhằm hạ thấp vợ.
"Nhiều lúc cảm thấy rất ức chế và tủi thân. Có những cái vì sự chê bai của chồng, mình không còn muốn cố gắng nữa, bởi có cố thế nào thì trong mắt anh ấy, mình cũng chẳng bằng vợ người ta", chị Hoài Phương bộc bạch.
Chị Thu Thủy, giáo viên tiểu học lại cảm thấy ngột ngạt trong cuộc hôn nhân của mình vì chồng suốt ngày khen cô hàng xóm xinh đẹp. Cùng tầng nhà chị có một cô giáo dạy Yoga. Người tập thể dục thường xuyên nên thân hình đúng là rất đẹp, mềm mại uyển chuyển, suối tóc dài, nước da trắng mịn.
Mỗi lần gặp cô ấy đi cùng trong thang máy là chồng chị nhìn như muốn rớt hàm. Đi cùng vợ thì anh im, nhưng nếu gặp riêng cô hàng xóm thì kiểu gì cũng buông lời chào hỏi rồi khen nức nở hình thức của cô ấy.
Mấy lần chị bắt gặp anh hớn ha hớn hở trò chuyện với hàng xóm đến tận khi cô ấy vào nhà đóng cửa lại anh còn chưa hết cười.
Anh rất hay khen cô ấy xinh đẹp trước mặt chị, rồi lại bảo chị chịu khó mà tập tành cho đẹp được như một phần của người ta. Anh khen cô ấy eo thon, chân dài, mặc váy xinh, trong khi vợ chân đã ngắn lại còn nhiều "hoa gấm", eo thì như bánh mì. Nhiều lúc chị tức quá phải hét lên: "Anh có im đi không. Tìm vợ người ta mà lấy!".
Chị Thủy cho rằng mỗi người một nghề và dáng hình mỗi người cũng ảnh hưởng từ nghề của họ. Huấn luyện viên thể thao thì thân hình họ buộc phải đẹp, còn mình là cô giáo tiểu học, chỉ cần tốt chuyên môn và yêu thương, kiên nhẫn với học sinh. Người bình thường, duy trì một sức khỏe tốt đã là tốt, ai cũng muốn thân hình đồng hồ cát, chân dài đến nách thì đi làm người mẫu hết hay sao.
Nỗi niềm không dễ dàng bày tỏ cùng ai bởi đi kể mình khó chịu vì chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh khéo người ta lại cười cho. Nhưng rõ ràng, chẳng phải ngoại tình, "chẳng có gì nghiêm trọng" nhưng làm tinh thần chị mỗi ngày đều áp lực, cảm giác tự ti cứ mỗi lúc một lớn dần, nỗi lo lắng hoài nghi cũng tăng lên khi hàng ngày đều bị chồng chê xấu và mang người khác ra như một tấm gương về sắc đẹp để vợ phải noi theo.
Tâm lý học nhận định, bạo lực/ bạo hành tinh thần là một hình thức bạo hành rất khó nhận biết.
Không để lại những dấu hiệu bạo hành trên thân thể như bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần sử dụng lời nói/hành vi có sức sát thương cao gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân, gây khủng hoảng tâm sinh lý, thậm chí ý thức của nạn nhân cũng dần bị méo mó.
Đáng buồn là hình thức bạo hành/bạo lực này lại xuất hiện rất thường xuyên trong các gia đình, trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ - con cái và các mối quan hệ thân thiết khác, biểu hiện ở những điều rất nhỏ như những ví dụ mà vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Dù ít được để ý nhưng những hậu quả nó để lại thì không hề kém phần nghiêm trọng.
Bạn có đang âm thầm chịu đựng một sự bạo hành nào như vậy trong chính gia đình mình không? Đối với bạn, đó là "chuyện rất nhỏ" hay "nghiêm trọng"? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi bằng cách điền vào phần bình luận bên dưới nhé!