Anh không bạc nhược
Anh nghe nhiều người bạn của anh và em nói em hay ca cẩm: Anh là người bạc nhược. Cũng may là anh “bạc nhược”, nếu không thì khi anh nghe được những điều ấy, em đã bị một trận tơi bời.
Có phải vì từ khi cưới nhau đến giờ anh chưa đánh em nên em nghĩ là anh bạc nhược? Kể từ khi em đi làm, lăn vào việc buôn bán, kinh doanh, em cứ thay đổi dần dần. Từ một người phụ nữ im lặng, biết lắng nghe, em đã trở thành người thích cãi tay đôi với chồng, bất kể đúng sai.
“Cơm sôi nhỏ lửa”, ông bà ta vẫn thường dặn con cháu cách ứng xử ấy khi vợ chồng giận nhau. Anh đã áp dụng cách đó vì không muốn gia đình mình xào xáo, không muốn nhà mình thành “chiến trường”… Anh im lặng trong những lúc như thế, em lại được nước làm tới và đã đánh mất nhiều “chỉ số” nhu mì của ngày xưa, em có biết?
Khi em bảo anh phải ra “nói chuyện” với những người không làm hài lòng em trong việc kinh doanh, anh chỉ ra nói “triết lý sống ở đời”, đừng xù nợ vì như thế là không tốt. Em bảo anh bạc nhược. Nhưng, nếu anh động tay động chân thì ích gì? Người ta bị thương hay anh bị đánh cũng là một tổn thương tình người. Trong mối quan hệ giữa người và người đã có quá nhiều bạo lực, sao mình không nói chuyện một cách hợp tác, hòa nhã? Hơn nữa, anh là thầy giáo, mẫu mực với học trò, dạy chúng phải sống có tình nghĩa, biết tha thứ, làm sao anh có thể “nói chuyện” như thế được? Anh còn là cha của những đứa con chúng mình, các con sẽ nhìn anh và em để lớn lên, sẽ trở thành bản sao của ba mẹ, anh không thể để con thất vọng.
Chuyện làm ăn, kinh doanh của em đã giúp gia đình mình khá lên, đầy đủ hơn. Anh không trực tiếp kiếm ra nhiều tiền bằng em nhưng anh cũng là người chung tay gìn giữ tổ ấm này. Anh không muốn vì việc thể hiện bản lãnh đàn ông bằng bạo lực mà làm hỏng mọi thứ. Anh cũng muốn em biết rằng anh không bạc nhược, anh có thể trở thành “người hùng” như cách của em, nhưng anh hiểu như thế mình sẽ mất nhiều thứ hơn là được. Và hơn hết, anh không thể đánh mất mình. Em hãy hiểu, em nhé!
Theo PNO