Ám ảnh nhậu Tết
Mỗi khi năm hết Tết đến, chị lại thấy lòng ngập tràn lo lắng. Cứ tưởng sau cả năm đi làm, dịp nghỉ lễ dài ngày sẽ mang lại nhiều niềm vui cho cả gia đình, nhưng chỉ vì cái “lệ” nhậu nhẹt của anh mà nhiều cái Tết đã trở thành dịp vô cùng đáng sợ.
Nhà mẹ ruột chị ở xa, chỉ có nhà ngoại và mấy cậu, dì là chung thành phố. Năm đầu tiên sau đám cưới, anh say một trận bét nhè ở nhà ngoại, nói năng lung tung, thiếu điều mày tao mi tớ với mấy ông cậu vợ vốn xê xích nhau vài tuổi. Trên đường về, anh hào hứng hú hét, ai chạy xe ngang qua cũng phải ngoái lại nhìn. Chị ngày ấy 25 tuổi, đỏ mặt trước những ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa buồn cười của thiên hạ.
Tết năm sau, chồng chị nôn ói vô tư lên tấm nệm mới của nhà ngoại ngay mùng Một, sau khi đã thể hiện một vài cử chỉ thân mật với mợ Út và mợ Sáu, hai người phụ nữ thật ra còn nhỏ tuổi hơn anh. Nể mặt chị, mấy cậu chỉ bỏ nhỏ, “mày về nhắc nhở chồng, chứ có đâu mất mặt, khó coi như vậy”. Chị cúi đầu, rơi nước mắt vì tủi thân, biết rằng vì coi anh chị là người trong nhà, nên cậu mợ mới chín bỏ làm mười. Vậy mà anh nhơn nhơn khi chị khuyên, lại còn bảo, chị “vu khống” cho chồng, chứ có thấy ai tỏ thái độ gì khác lạ đâu!
Những năm sau đó, anh lên “đô” ham vui, nhậu nhẹt. Nhiều chầu nhậu trước Tết, trong Tết và sau Tết của anh trở thành nỗi ám ảnh triền miên của chị. Năm nào, cứ gần tới những ngày “cao điểm” ấy, là chị lại rủ rỉ nhắc, rù rì khuyên, nặng lời hăm dọa, thậm chí đã lý lẽ hết nước hết cái, để rồi đâu lại vào đấy.
Năm ngoái, sáng anh rời nhà, quần tây áo sơ mi tươm tất, trước khi rồ xe đi anh còn hẹn chiều về sớm, chở mấy mẹ con đi chơi. Chập tối, taxi thả anh trước cửa trong trang phục quần đùi áo thun của ai chẳng rõ, với tình trạng say mèm không còn biết trời trăng mây nước. Chị được tài xế gọi ra… trả tiền, và cho biết, bạn nhậu của anh đã đọc địa chỉ cho tài xế taxi đưa về, vì anh nhậu say quậy quá, làm họ mất vui. Hôm sau tỉnh dậy, anh giải thích: nhậu ở nhà sếp, hình như anh nôn ói đầy ra quần áo của mình và của người khác, nên được họ cho mượn bộ đồ mặc tạm rồi… tiễn khách. Chị cứ tưởng, sau lần này, anh biết xấu hổ mà tự làm chủ việc nhậu nhẹt của mình, nhưng rồi mọi việc vẫn chẳng có gì thay đổi.
Cứ đến gần Tết là anh bận rộn với những tiệc tất niên, họp mặt đối tác, chiêu đãi khách hàng, liên miên không dứt. Mọi thứ chuẩn bị tết nhất, biếu xén họ hàng… anh đều phó mặc cho chị. Có hôm, thấy anh về nhà từ chập tối, chị chưa kịp mừng, đã nghe anh bảo, hôm nay khu phố liên hoan, anh không thể vắng mặt, nên mới thu xếp về sớm để dự. Nói rồi, anh tất tả ôm thùng bia đi mất. Khuya lắc khuya lơ, có người chung xóm dìu anh về, chân nam đá chân chiêu. Chị vừa mở cửa vừa hỏi, uống chi mà dữ vậy anh? Ngay lập tức anh sừng sộ, hỏi: Cô bảo ai dữ hả? Rồi như có người đàn ông khác vừa nhập vào chồng chị, anh vùng khỏi tay người bên cạnh, nhào vô đòi nắm tóc, bạt tai vợ. Nỗi bất ngờ làm chị thiếu điều muốn tung hê tất cả. Chẳng lẽ để con cái nheo nhóc, nhà cửa bề bộn, năm mới ngập ngụa trong cãi vã, khốn khó, chị đành gạt cái đơn ly hôn sang một bên, chờ qua Tết rồi tính tiếp, mặc kệ câu xin lỗi quen thuộc của chồng.
Cuối năm, trên mạng có cô gái trẻ mới lấy chồng kêu lên rằng: “Nếu đã ham nhậu nhẹt như vậy thì làm ơn đừng lập gia đình! Tết đến nơi rồi mà chồng chỉ biết có mỗi nhậu, là sao?”. Chị “còm” một câu an ủi đầy… triết lý rằng, đời thay đổi khi ta thay đổi, chứ mình chẳng thể ngồi đó mà than trách, trông mong được đâu.
Rồi chị cười một mình, buồn bã. Mạnh miệng thế thôi… Bao năm nay, chị hết thuốc chữa cái bệnh ham nhậu “nhân dịp xuân về” của chồng rồi, biết đến bao giờ anh mới thay đổi? Chị hoang mang tự hỏi, năm nay, “sự kiện” gì sẽ chờ đón gia đình mình sau những lần nhậu của anh?
Theo Hải Yến
PNO