Ai từng quét vôi cho căn nhà đón Tết?

Ký ức tuổi thơ tôi bao năm qua vẫn hằn in hình ảnh cái vại vôi nhỏ, cái chổi rơm cùn, ngày cuối năm hì hụi làm mới cho căn nhà nhỏ đơn sơ bừng sáng tinh tươm...

... cho lòng mình chộn rộn hân hoan đón mùa xuân về.

Ngày xưa nhà tôi ở quê, có cái vại bằng đất nung, đựng vôi tôi để cạnh cầu ao. Tôi chẳng biết nó nằm ở đó tự khi nào. Chỉ thấy thỉnh thoảng bà nội vẫn còng lưng chống gậy ra vại xúc vôi cho vào cái ấm sành sứt vòi để hằng ngày bà quệt ăn trầu. 

Thế rồi một ngày giáp Tết, cha tôi đi làm về, ông mang mấy cục vôi sống thả vào vại sau khi đã đổ thêm nước lã cho chúng tở bung ra. Mấy ngày sau, cũng như bao gia đình khác ở trong làng, cha tôi lấy vôi mới tôi, pha loãng ra để quét nhà, quét cổng đón năm mới.

Năm nào cũng vậy, trước ngày làng mổ lợn đụng, gói bánh chưng Tết, ông cũng cặm cụi làm mới cho căn nhà của mình.

Khi anh em tôi lớn lên, vào học cấp hai thì hằng năm cha giao luôn cho chúng tôi việc quét dọn, vôi ve nhà cửa cuối năm. Cứ độ ngoài 20 tháng Chạp, ông lại sai anh em tôi ra sân kho hợp tác xã, mua vôi sống về tôi đầy vào chiếc vại để quét nhà.

Đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất, háo hức nhất trong những năm tháng tuổi thơ gian khó mà bình dị của tôi mỗi độ Tết đến xuân về.

Khi vại vôi tôi đã nguội và ngấu hẳn cũng là ngày anh em tôi được nhà trường cho nghỉ ăn Tết. Chúng tôi hối hả bắt tay vào công việc vôi ve nhà cửa. Tôi lấy cái gáo múc vôi cho vào xô rồi pha nước lã, quấy đều.

Ai từng quét vôi cho căn nhà đón Tết? - 1

Tết đến, tôi vẫn sửa sang, quét dọn, làm mới nhà cửa, bàn thờ tổ tiên... (Ảnh minh họa: Khang Chu Long/Vietnamnet).

Còn anh tôi thì vào góc bếp lấy ra hai cái chổi rơm đã cùn. Một chiếc để tôi quét phần tường ở dưới thấp. Một chiếc anh buộc vào cái gậy tre để quét ở phần tường trên cao. Quét hết nhà thì quét cho tường bao sân, trụ cổng và quét cả cho những gốc cây quanh nhà.

Nhà tôi chỉ có ba gian làm bằng gỗ xoan, lợp ngói mắc, tường xây bằng gạch chỉ và trát vữa vôi. Mà ở quê tôi ngày ấy, nhà nào khá giả mới được như vậy. Còn lại thì hầu như là nhà tre lợp rạ, bức tường hậu và hai bên chái đắp đất, chỉ có bức phía trước là được xây bằng gạch. 

Thế nên, cứ sau một năm là tường nhà loang lổ, ố vàng, mốc meo. Gần Tết, khi công việc đồng áng đã thu xếp xong nhà nào trong làng cũng phải dành ra một ngày để vôi ve lại cho căn nhà sạch sẽ, tinh tươm, tường rào, sân cổng cũng trở nên quang quẻ, có không khí phấn chấn mà ăn Tết.

Dân gian ta có câu thành ngữ "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", có lẽ cũng do một phần xuất phát từ tập tục quét vôi cho căn nhà ngày Tết ấy. Người quê tôi xưa quan niệm, quét vôi màu trắng để xóa sạch những điều không hay trong năm cũ, đón một năm mới thêm phần may mắn và khởi đầu vạn sự hanh thông.

Niềm vui háo hức của ngày xuân đang đến gần cứ trào dâng trong lòng khiến anh em tôi làm việc mà chẳng biết mệt. Tôi thấy mình lớn hẳn lên vì đã biết tự tay trang trí cho căn nhà của mình, biết phụ giúp bố mẹ đang tất bật công việc khi "năm hết Tết đến", lo cho cả nhà có cái Tết tươm tất hơn năm trước.

Anh tôi ngày thường lầm lì là thế mà hôm ấy vừa quét dọn cũng vừa khe khẽ cất lên câu hát du dương theo nhịp chổi: "Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng, trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang…". Thỉnh thoảng anh dừng chổi lại ngó sang chỗ tôi đang quét, rồi gật gật cái đầu tỏ vẻ vừa ý.

Suốt từ sáng đến trưa rồi qua chiều, anh em tôi hì hục lau lau, quét quét. Quét hết bụi, mạng nhện, nấm mốc cho bề mặt tường sạch sẽ rồi mới đến quét vôi. Mà phải quét đến hai lần nước vôi thì tường mới trắng lên được. Những chỗ quét chưa đều thì phải quét dặm lại rất tỉ mẩn chỉ để mong nhà mình sạch đẹp hơn, khang trang hơn nhà hàng xóm. 

Quét xong lại phải lấy nước rửa sân, lau nền nhà cho sạch những giọt vôi rớt ra ngoài. Chiều muộn, khi vại vôi đã cạn và khi quần áo, chân tay, mặt mày bị nước vôi bám lem luốc, lúc đó công việc "mặc áo" cho ngôi nhà mới của anh em tôi mới hoàn tất...

Sáng hôm sau ngủ dậy, người đau mỏi rã rời, tay chân vẫn còn mốc meo màu vôi, nhưng anh em tôi đã chạy ùa ra sân, ra cổng để chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình. Qua một đêm gió hanh, nước vôi đã khô hẳn, từ nhà ra đến cổng phủ một màu trắng toát. Tự dưng trong lòng cứ thấy vui vui, cảm giác như Tết đã về ngang ngõ. 

Kể từ hôm đó, mỗi khi phải đi làm đồng hay chăn trâu, tát nước, cắt cỏ, chúng tôi chỉ mong sao sớm xong việc để trở về nhà. Để được tận mắt thấy cái khung cảnh ngày xuân đã bừng sáng từ làng trên xóm dưới.

Bao mùa xuân đi qua, mang theo tuổi thơ đi mãi. Làng quê bây giờ phát triển, nhịp sống đổi thay. Những ngôi nhà xây bê tông, xi măng, cốt thép kiên cố, bền chắc đã thế chỗ cho những căn nhà gỗ lụp xụp năm xưa. Những sắc màu sơn bả tươi mới mang đến diện mạo khang trang hơn cho làng quê hôm nay.

Tết đến, nhà nhà không còn phải lo công việc quét vôi thủ công vất vả, lem luốc như xưa. Nhưng tập tục sửa sang, quét dọn, làm mới nhà cửa, bàn thờ tổ tiên để đón Tết vui xuân thì vẫn là cái gạch nối xuyên suốt quá khứ - hiện tại, còn mãi với thời gian.

Độc giả Kao Dân

Theo vietnamnet.vn