8/3 ngày không anh

(Dân trí) - Chọn và đặt điện hoa (đề tên người gửi là ông xã) từ trước đó rồi nấu một bữa tối ấm cúng, không quên “sticker”: chúc mẹ, em yêu và cục cưng của bố một 8/3 vui vẻ. Vậy là “Anh ấy vẫn ở nhà đó chứ”, Mai dí dỏm kể.

Khi chồng vắng nhà

 

Sáng 8/3, Ngân thở dài ngao ngán. Lấy nhau được gần 1 năm, hai vợ chồng son đã phải sống cảnh “anh ở đầu sông em ở cuối sông”. Hai vợ chồng vốn cùng người ngoại tỉnh, thuê leo lắt ở một xóm trọ, mọi chi thu đều phải tiết kiệm cho đứa con sắp sinh. Với tấm bằng ưu, làm việc ở Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc, đồng lương của cô gọi là tạm đủ sống. Chồng cô, đang gầy dựng một cửa hàng sinh vật cảnh ở Hải Phòng, tháng về được dăm ba bận. Vậy nên “Mình cũng không quan trọng hóa ngày này, nhưng nghĩ cũng hơi tủi thân, coi như hoa anh ấy mua tặng mình…của chồng công vợ vậy”, Ngân cười buồn.

 

Đã bốn năm rồi, từ khi anh đi xuất khẩu lao động ở Dubai, chị Thanh chẳng bao giờ quan tâm đến mấy ngày lễ đặc biệt bởi ngày sinh nhật chị, kỉ niệm ngày cưới anh còn quên huống chi là ngày Valentine hay 8/3. Thương chồng chị cũng không đòi hỏi gì, chỉ âm thầm lấy con cái làm niềm vui.

 

Mùng 8/3 năm nay cũng thế, chị lại ghé Kim Liên mua bó qua tặng mẹ. Nhìn những bông hồng xinh xắn, chị nghĩ thầm: “Không biết đến bao giờ mới được nhận hoa của chồng”.

 

Ăn xong bữa tối, ba mẹ con ngồi quây quần xem phim. Thằng lớn chạy vào phòng mang ra một bông hoa: “Mẹ ơi con tặng mẹ ngày 8/3”. Chị thấy lòng ấm áp lạ.

 

Còn Mai, cô hồn nhiên khoe: “Nhà mình toàn mỳ chính cánh cả, hai hoa hậu nhí, mình, bà nội, bà ngoại…nên mọi năm ông xã tất bật lắm. Đúng 8/3 năm nay, anh ấy lại đi công tác nên nhà mình đã vạch ra một kế hoạch hoành tráng”.

 

Sáng sớm, Mai ra chợ, chọn và đặt điện hoa (đề tên người gửi là ông xã). Cúc đà lạt cho bà, tulip cho ba mẹ con “mình vốn thích tulip mà”. Rồi cô gọi điện đến nhà hàng quen, đặt bữa tối ấm cúng, không quên mẩu “sticker”- chúc mẹ, em yêu và cục cưng của bố một bữa tối vui vẻ.

 

“8-3 năm nào, gia đình cũng đến nhà hàng này vì chúng mình đều thích không gian ấm cúng, rộng rãi, các cháu có thể thoải mái nô đùa”, Mai cười.

 

“Nhà mình tràn ngập hoa, quà. Anh ấy vẫn ở nhà đó chứ”, Mai dí dỏm.

 

“Ms Lonely”

 

27 tuổi, số lần Hạ được tặng hoa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời đi học thì “âm thịnh dương suy”, ra đi làm thì lại công tác triền miên nên “ai muốn tiến thêm một bước cũng ngại”. Ngay bản thân cô cũng ngại chuyện yêu chứ đừng nói lấy chồng.

 

Vì thế, hôm nay cô vẫn thản nhiên như không, vẫn đi chợ sớm, vẫn mua hoa như mọi ngày cuối tuần. “Mọi năm 8-3 vào ngày bình thường, cơ quan vẫn tổ chức cho chị em nhưng năm nay lại vào cuối tuần, không ai tặng thì mình mua tặng. Một công đôi việc”, Hạ dí dỏm nhưng không dấu nổi nét buồn lặng trong mắt.

 

Người yêu công tác ở tận miền Nam, còn Trang lại ở Hà Nội. Hai người, hai đầu đất nước cả năm chỉ gặp nhau vài lần. Ngày lễ tình yêu Trang đã nằm nhà một mình đến ngày 8/3 cũng vậy. “Hoàn cảnh xa nhau cũng đành phải chịu một mình”.

 

Bạn bè nhiều khi đùa: “Ai bảo người yêu mày đi xa, mày chịu thiệt là phải”. Buồn nhưng Trang chẳng bao giờ than phiền với người yêu. Trang bỏ qua những lời của bạn bè với niềm tin: “khoảng cách sẽ làm hai người hiểu nhau hơn”.

 

Ngày nào cũng gặp người yêu nhưng chỉ qua điện thoại, qua chat. Những ngày đặc biệt, Trang nhận được những bông hồng điện tử và bài hát tình yêu qua di động. Bạn bè có hoa tươi, đi ăn tối, đi chơi ở ngoài, Trang nhìn vậy chỉ hơi nuối tiếc: “Ước gì anh ở đây”.

 

Về đến nhà, Trang khóa trái cửa phòng, lòng chợt buồn “lại thêm một ngày buồn”. Có tiếng gọi ngoài cổng, Trang lau nước mắt ra mở cửa. Trước mặt là một bó hoa hồng to với một tấm thiệp xinh xắn: “Anh chúc em ngày 8/3 vui vẻ và hạnh phúc nhé. Anh không ở bên em được. Sang năm anh đền”. Cùng lúc nhận được điện thoại của chàng: “Đừng giận anh nhé”.

 

Đúng là một điều bất ngờ, Trang hân hoan cầm bó hoa vào nhà lòng phơi phới: “Anh đúng là người yêu tâm lý”.

 

DK - Dương Nhung