6 năm vật vã trong cuộc hôn nhân địa ngục

“Hơn 7 năm hôn nhân thì 6 năm tôi vật vã sống với người chồng ham nhậu nhẹt, say xỉn. Không ít lần, tôi bị chồng xé hết váy áo vì ghen tuông. Sau lúc say, anh lại xin lỗi vợ…”.

6 năm vật vã trong cuộc hôn nhân địa ngục - 1

Người phụ nữ ngoài 30 tuổi Tạ Thuý Hải (Phú Thọ) vừa nhặt mớ rau nấu bữa cơm chiều cho các con, vừa buồn bã chia sẻ.

Hải cho biết, vợ chồng chị là người cùng xã, khác thôn, gia đình biết nhau từ trước, đã dắt mối cho 2 đứa. Anh hơn chị 2 tuổi, lúc lấy nhau chị vừa  học xong Đại học và làm kế toán cho công ty vật liệu xây dựng ở huyện, còn anh học trung cấp xong, không xin được việc làm, nên đi làm thợ nề, lúc rảnh chạy xe ôm.

"Có lẽ vì chênh lệch về trình độ và địa vị xã hội, nên tính cách anh trở nên lầm lì, tự ti mỗi khi ai nhắc đến vợ anh giỏi giang. Vì công việc, thi thoảng có khách hàng phải gặp nhau trong bữa ăn tối. Biết chồng hay ghen, tôi rủ chồng đi cùng cải thiện tình cảm, nhưng anh luôn từ chối" - chị Hải lý giải thêm.

Anh không muốn đi cùng vợ, nhưng về đến nhà chị lại gặp cảnh chồng say, nôn oẹ đầy nhà, đồ đạc tung toé. Thấy vợ mặc váy áo đẹp tươm tất, anh lao đến túm tóc, xé rách váy áo vợ cùng những câu chửi thề… Chị Hải kể: "Vì công việc, tôi vẫn thi thoảng phải đi tiếp khách của công ty, cứ xong việc về gần nhà là tôi khựng lại, không dám về nhà. Nhiều lần tôi quay xe lại đi lang thang vài vòng, hoặc vào nhà mẹ chồng chơi cùng các con, chờ chồng ngủ say thì lẻn về nhà mình như kẻ ăn trộm, kẻ tội đồ".

"Có hôm tôi phải ở lại công ty làm quyết toán thuế nên về muộn, anh điện thoại quát tôi phải về ngay. Tôi cuống cuồng thu xếp công việc, nhưng nếu về nhanh cũng phải 30 phút mới tới nhà, vậy là nhẹ tôi cũng bị chồng bạt tai vì gọi không về ngay. Nếu mang sổ sách về nhà làm khuya, tôi sợ chồng xé hoặc đốt mất. Để làm tốt công việc, tôi luôn tập trung tối đa để hoàn thành ở công ty, chấp nhận về muộn chút, có sao cũng đành chịu" - chị Hải kể. 

Công việc của anh không ổn định, lúc có công trình thì đi làm, lúc không thì ở nhà chờ việc, anh bỏ nghề chạy xe ôm, nên... lại say. Tiền nuôi con, tiền sắm sanh nhà cửa, đều mình chị lo hết.

Chị Hải kể: "Mỗi lần lễ tết, thấy mọi nhà vui vẻ vợ chồng, tôi lại tủi thân vô cùng. Nhưng vì muốn các con có bố, tôi cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, không phàn nàn gì chuyện tiền nong đóng góp nuôi con của chồng. Không ít lần tôi vẫn cố ôm anh dỗ dành, nhưng anh hất tôi ra và chửi: "mày đừng hòng lừa tao, mày đi chán với thằng khác, về nịnh tao chuộc tội à?". Vậy là chị cứ chịu nhịn để cuộc sống trôi đi. Bởi nói nặng, nói nhẹ, phân tích hết thiệt hơn, chồng chị vẫn không suy chuyển, thậm chí còn đánh vợ tội "lải nhải", "lắm mồm".

Lo các con dễ bị vạ lây khi bố say xỉn, lấy cớ phải đi làm giờ giấc thất thường, chị gửi 2 con sang nhà bà nội, ở sát vách nhà chị, nhờ mẹ chồng cơm nước giúp. Mẹ chồng chị hồi đầu hay chạy sang mỗi lúc vợ chồng Hải to tiếng, nhưng bà không khuyên bảo con trai được. Thậm chí, vài lần bà bị con trai đẩy ngã, chửi cả mẹ, nên bà thất vọng, bỏ mặc vợ chồng Hải "tự xử" nhau. "Nó không cờ bạc, gái gú gì, thằng đàn ông nào cũng có tật xấu cả. Con bỏ qua cho nó thì cái nhà này nó còn, không bỏ qua được thì nhà tan cửa nát, bọn trẻ có mẹ lại không có bố, đứa có bố lại không có mẹ. Cố mà chịu thôi con" - mẹ chồng nói với Hải những lời gan ruột.

Hải thương mẹ chồng hiền lành, chất phác, chị hiểu nỗi buồn của người mẹ có con "bất hảo", chị động viên bà sẽ chịu được, sẽ không sao. Gửi 2 con ăn ngủ bên bà nội cho yên tâm, hàng ngày có đồ gì ngon, cần mua sắm, chị lại lo đủ đầy cho 3 bà cháu. Vừa là trách nhiệm con dâu, vừa trả ơn bà đã cho 2 con nhỏ trú ngụ, tránh những tổn thương tâm lý về người bố say rượu và đập phá nhà không kể đêm ngày.

Cứ nghĩ, chị sẽ chịu đựng được hết vì con, vậy mà anh vẫn không để chị yên: "Chồng tôi hôm nay say rượu về lại lao vào xé quần áo tôi ra, dù lúc đó tôi đang dọn nhà, nấu cơm cho vợ chồng ăn tối. Anh vừa lôi kéo tôi, vừa hét lên: "Cút con mẹ mày đi, con đĩ… Mày chỉ đi làm đĩ mới được thằng nọ thằng kia bao tiền, chứ hãng mày làm được gì?". Tôi cứ đứng yên, nước mắt ứa ra. 2 con tôi vừa về chơi với mẹ lại ôm nhau sợ hãi khi thấy bố đập phá quạt, đồ đạc trong nhà, chúng chạy sang gọi bà nội cứu mẹ ầm ĩ" - chị Hải ấm ức khóc nghẹn.

Chị Hải kể: "Tôi là người đàng hoàng, nên rất tủi thân khi nghe những câu lăng mạ của chồng. Ngoài những đồ tôi mua sắm cho gia đình, tôi còn sắm hết quần áo, giày dép, dây lưng cho anh. Tôi chưa để anh thiếu cái gì so với chồng nhà khác. Hôm nay anh đuổi tôi ra khỏi nhà, còn không quên nhắc: "Mày biến con mẹ mày đi khuất mắt tao, mang luôn 1 đứa theo. Mày để lại cho tao đứa nào cũng được". Anh chia con luôn với tôi như vậy".

"Cuộc đời tôi chỉ biết có công ty và gia đình, con cái. Tôi cũng không đòi hỏi chồng phải là ông này, ông kia, mà chỉ muốn sống một gia đình nhỏ giản dị, nuôi con đầm ấm, no đói có nhau là đủ. Cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện ly hôn. Giờ chồng ngày một quá đáng, tôi không thể cố được nữa" - chị Hải nói.

Lần đầu tiên, chị quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân địa ngục này. Chị đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc lúc chồng tỉnh rượu. Anh bất ngờ bảo: Anh vẫn còn yêu vợ con, nếu thiếu vợ và con, anh không ổn tí nào, anh hứa sẽ giảm rượu lại. Chị nói: Nếu lần sau anh lại mượn rượu về đánh em, hoặc về nhà không còn tỉnh táo, em với anh sẽ chấm dứt. Đương nhiên, em sẽ mang cả 2 con đi. Anh không đủ điều kiện nuôi con từ bao năm nay rồi, giữ con lại cũng khổ nó thôi. Anh lại hứa, sẽ cố gắng thay đổi vì con.

"Tôi cho chồng cơ hội cuối cùng chứng tỏ cần vợ con ở lại. Nếu anh hứa xong rồi để đó như mọi lần, tôi sẽ dừng lại tất cả. Tôi hy sinh cho chồng quá đủ rồi. Mong anh biết dừng lại đúng lúc để níu giữ gia đình mình" - Hải cho biết, dù tia hy vọng vào lời hứa của chồng với cô vẫn rất mong manh.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Theo Thiên Cầm (Ghi)

Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm