1 triệu cặp vợ chồng Việt gặp vô sinh, hiếm muộn
Trong thực tế, các bác sĩ đã khám cho nhiều nam giới có số lượng tình trùng hạn chế. “Nhiều nam giới rất khỏe mạnh, nhưng đi khi khám mới phát hiện ra “có vấn đề” về sinh sản.
Có bệnh nhân chỉ có vài con tinh trùng/1ml. Tuy nhiên, con thì bất động, con đứt đuôi, con lại dị dạng như đầu có thể tròn, kim, đuôi cong, hình thái bất thường… thậm chí chẳng có con nào. Trong khi đó, tinh trùng bình thường mới có thể đâm xuyên quả trứng, hình dáng bất thường thì khả năng đâm xuyên giảm theo”, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm IVF (BV Bưu Điện) chia sẻ.
Còn bác sĩ Vương Vũ Việt Hà (Trung tâm IVF, BV Bưu Điện, Hà Nội) cho biết, hiện nay chất lượng tinh trùng của nam giới Việt đang có xu hướng giảm. Vì thế, việc thụ thai tự nhiên gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp phải nhờ đến sự tiến bộ của y học mới có thể sinh được con.
Theo bác sĩ Hà, chỉ số trung bình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thì người bình thường trong 1ml tinh dịch chứa từ 15 đến 20 triệu tinh trùng. Đây là con số đảm bảo để việc thụ thai được diễn ra bình thường. Những trường hợp mà tinh trùng dưới 15 triệu con/1ml thì khả năng thụ thai giảm. Còn dưới 5 triệu con/1ml là gần như không có khả năng có thai tự nhiên.
Lí giải điều này, bác sĩ Hà phân tích: Khi xuất tinh, không phải cả chục triệu “con giống” đều gặp trứng. Trong số đó, có những con nằm tại chỗ, đi lạc đường, dừng lại giữa đường đi. Theo tính toán, phải có từ 100 đến 200 “con giống” gặp trứng, trong đó có 1 con “may mắn” thì việc thụ tinh mới đảm bảo.
Theo bác sĩ Hà, nguyên nhân khiến các mày râu không có tinh dịch hoặc ít tinh dịch có thể bắt nguồn từ những rối loạn về tâm lý, do các thói quen sinh hoạt xấu, ống phóng tinh bị tắc hoặc do hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ảnh hưởng đến lượng tinh dịch. Một số nam giới bị bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh như tinh hoàn ẩn hoặc lạc chỗ, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm tinh hoàn, suy tuyến sinh dục, xoắn tinh hoàn, nhiễm độc tố, mất đoạn nhiễm sắc thể Y. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của bức xạ điện tử, ảnh hưởng của các chất hóa học, chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, tinh thần mệt mỏi, môi trường sống bị ô nhiễm...
Theo Bộ Y tế, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, tương đương với hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề về vô sinh, hiếm muộn. Trong đó, 40% là do nam giới, 40% do nữ giới còn lại chưa rõ nguyên nhân.
Để hạn chế tình trạng vô sinh, hiếm muộn, các chuyên gia khuyến cáo nam giới giới cần bổ sung chất kẽm, như hải sản có vỏ cứng, cua, hàu, trứng, gà, cá; nên quan hệ tình dục điều độ; uống nhiều nước; tập thể dục thường xuyên như đi bộ, cầu lông, bóng đá; nên tránh sử dụng các chất cay nóng, kích thích, hạn chế thức ăn nhanh… Nếu thấy có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bản thân mắc bệnh vô sinh, nam giới cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.
Bệnh lao vú tấn công nhiều phụ nữ
Hồi sinh nhờ phẫu thuật nội soi cắt gan Tự ý truyền dịch khi bị sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào? Da mặt lốm đốm, ửng đỏ sau dùng mỹ phẩm
Theo Như Ngọc
Phụ Nữ Việt Nam