1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường thép đã "nguội" trở lại

Theo tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ngày 22/3, sau những biến động giá bất thường từ tuần trước, thị trường thép trong nước đã dần ổn định trở lại, theo hướng giá đi xuống.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết: "Giá thép thực sự bắt đầu giảm từ ngày 17-18/3, sau khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép cam kết không tăng giá bán".


Thị trường thép đã giảm nhiệt

Thị trường thép đã giảm nhiệt

Lý giải về việc giá thép tăng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, thực tế, trong 2 năm qua, giá thép đã sụt giảm tới trên 35% nên việc tăng giá thép gần đây nên nhìn nhận như sự phục hồi về giá do đã giảm quá sâu trong thời gian dài, bù đắp phần nào nguyên liệu tăng cao chứ không phải là tăng giá mạnh.

"Trong năm vừa qua, để chống đỡ và giữ thị phần nên các doanh nghiệp thép mới phải giảm giá sâu", ông Sưa nói.

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty Thép Hoà Phát cũng cho biết, Tập đoàn Hoà Phát cũng đã đưa ra cam kết không tăng giá bán từ ngày 17/3/2016 cùng với một số doanh nghiệp thép lớn khác và sau ngày này, giá thép đi xuống rõ rệt.

Cũng nói về nguyên nhân giá thép tăng trong hơn một tuần trước, ông Mai Văn Hà cho rằng, giá thép tăng do giá cả một số nguyên liệu cơ bản của ngành thép như: quặng sắt, phế liệu và than đá trên thị trường thế giới phục hồi mạnh khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khiến thị trường sắt thép lạc quan hơn.

"Một lý do khác là thông thường, sau Tết là thời điểm mùa khô thuận lợi cho xây dựng nên nhu cầu thép tăng cao. Ngoài ra, cũng có tâm lý đầu cơ của các công ty phân phối trung gian thương mại trước thông tin áp thuế tạm thời có hiệu lực", ông Mai Văn Hà nhận định.

Nhận xét về quyết định áp thuế tự vệ, chống bán phá giá của Bộ Công thương mới đây với một số mặt hàng thép nhập khẩu mà nhiều người cho là nguyên nhân khiến giá thép tăng, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho rằng:"Đây là quyết định đúng đắn và nhận được sự ủng hộ cao của Chính phủ. Các Bộ, ngành, Cục Quản lý cạnh tranh, VSA nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước phôi thép nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá quá mạnh".

"Thực chất quyết định này không sai nhưng các doanh nghiệp phân phối trung gian (các đại lý) thép đã lợi dụng, đầu cơ, làm méo mó nỗ lực ổn định thị trương của các doanh nghiệp nguyên đơn cũng như ngành thép Việt Nam", ông Sưa khẳng định.

Về nguồn cung thép hiện này, theo ông Nguyễn Văn Sưa, "Tại thời điểm này, thị trường không thiếu thép. Các nhà máy vẫn sản xuất và bán hàng bình thường, đảm bảo nguồn cung ổn định cho cả năm 2016".

Việt Hà

Thị trường thép đã "nguội" trở lại - 2