Người tiêu dùng đang bị nhầm sữa tiệt trùng là sữa tươi

Đa số người dân Việt Nam đang nhầm sữa tiệt trùng là sữa tươi, trong khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại. Sự nhầm lẫn này sẽ không còn khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng sẽ được sửa đổi.

Ngày 13.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).


Hội thảo có sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Ông Trần Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng và ông Trần Quang Trung- Chủ tịch Hiệp hội sữa VN

Hội thảo có sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Ông Trần Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng và ông Trần Quang Trung- Chủ tịch Hiệp hội sữa VN

Theo Dự thảo sửa đổi, tới đây sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Điều đáng chú ý nhất là khái niệm “Sữa tiệt trùng” trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được chia rõ thành 3 tên gọi sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Việt Hằng, Chuyên viên Cục An toàn thực phẩm thì sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để chỉ các sản phẩm chế biến từ sữa bột; sữa hỗn hợp để chỉ các sản phẩm có pha giữa sữa bột và sữa tươi.

Tại Hội thảo, phần lớn đại biểu đều thừa nhận tên gọi “Sữa tiệt trùng” của QCVN 5-1:2010/BYT là “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi” khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại. Với dự thảo mới, các khái niệm sẽ giải thích rõ ràng hơn nguyên liệu sản xuất sữa dạng lỏng để người tiêu dùng lựa chọn, phù hợp với thông lệ quốc tế (Codex Stan) và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11216:2015

Riêng khái niệm sữa tươi, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm lấy ý kiến về việc chia khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi (sử dụng trên 90% sữa tươi, có bổ sung đường, dịch quả) và sữa tươi tách béo. Đa phần đại biểu bao gồm các chuyên gia thực phẩm và doanh nghiệp ngành sữa đồng ý với việc phân chia này. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế cần chốt ngay các khái niệm về sữa, để sớm thiết lập lại một thị trường sữa minh bạch tại Việt Nam.

Phong Lê