Nâng chất nhân lực cho Doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Một khảo sát của JobStreet.com công bố gần đây cho thấy tại Việt Nam khi tuyển dụng chỉ 14% các công ty cân nhắc vấn đề tiền lương, nhưng 84% công ty chú trọng chất lượng nhân lực. Thực trạng này cũng đang xuất hiện tại hàng loạt công ty chế biến sữa và nước trái cây sử dụng công nghệ UHT ở Việt Nam khi họ săn lùng các kỹ sư giỏi để nâng sức cạnh tranh .

Tại Việt Nam, ngành sữa đang phát triển mạnh với mức tăng trưởng hai con số. Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ sản xuất được 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi và đến năm 2025 sẽ đạt mức 3,4 tỷ lít. Đồng thời, mức tiêu thụ sữa đạt trung bình 27 lít/người năm 2020 và 34 lít/người năm 2025. Ngành sữa phát triển mở ra nhiều cơ hội việc làm cho kỹ sư ngành CNTP mới ra trường.

Tuy nhiên, kết quả điều tra của Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy tại Việt Nam công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao còn ở các nước phát triển tỷ lệ này là 40-60%. Những doanh nghiệp, nhà máy chế biến sữa, sữa đậu nành…cũng đang thiếu hụt nhân lực kỹ thuật cao, đặc biệt là kỹ sư có am hiểu về công nghệ UHT và đóng gói vô trùng thực phẩm dạng lỏng. Bởi số lượng sinh viên ngành CNTP ra trường hằng năm khá lớn nhưng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Sinh viên CNTP, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng trao đổi về công nghệ tiệt trùng UHT và đóng gói vô trùng
Sinh viên CNTP, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng trao đổi về công nghệ tiệt trùng UHT và đóng gói vô trùng

 

Một doanh nghiệp chế biến sữa đậu nành tiết lộ: “Muốn tìm kiếm các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm về công nghệ tiệt trùng UHT là điều không dễ. Những người giỏi, trình độ kỹ thuật cao thường họ đã có một vị trí làm việc tốt trong các nhà máy. Còn kỹ sư mới tốt nghiệp thì kiến thức khá sơ cấp, khả năng áp dụng vào thực tế công việc rất hạn chế. Chúng tôi cũng đã đặt ra một mức lương thưởng cao, chế độ đãi ngộ tốt những vẫn khó tìm được người giỏi về công nghệ này.”

Nhằm hỗ trợ sinh viên sớm tiếp cận được với công nghệ cao UHT, Tetra Pak- tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới về quy trình chế biến và đóng gói vô trùng thực phẩm dạng lỏng đã tổ chức chương trình “Tặng sách kỹ thuật và hội thảo về công nghệ tiệt trùng UHT” tại 17 trường Đại học trên toàn quốc.

Đại diện Tetra Pak trao sách cho khoa CNTP, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
Đại diện Tetra Pak trao sách cho khoa CNTP, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng

 

Chương trình bắt đầu bằng việc Tetra Pak đưa chuyên gia tư vấn quản lý chất lượng đến các trường đại học để chia sẻ, phổ biến các kiến thức nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về công nghệ tiệt trùng UHT, một phát minh quan trọng trong ngành chế biến thực phẩm thế kỷ 20. Từ đó giúp các em hiểu và có cái nhìn chân thực để định hướng đúng đắn về nghề nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, trong dịp này, Tetra Pak đã dành tặng cuốn sách “Cẩm nang Chất lượng về Xử lý nhiệt và Đóng gói vô trùng, Sản phẩm có hạn dùng dài” dày 230 trang do các chuyên gia công nghệ của Tetra Pak dày công biên soạn. Đây là tài liệu mà hầu hết các nhà sản xuất sữa, sữa đậu nành, nước ép trái cây tại Việt Nam và trên thế giới hiện đang sử dụng.

Ông Robert Graves, Tổng giám đốc Tetra Pak VN nói: “Hoạt động chia sẻ về quy trình, công nghệ chế biến, đóng gói thực phẩm tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi của Tetra Pak sẽ giúp các bạn sinh viên có được hành trang kiến thức tốt nhất để sẵn sàng làm việc khi ra trường. Đồng thời, chương trình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đích cuối là mang đến cho người Việt các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng cao và an toàn”.

Sản phẩm sau quá trình tiệt trùng được đóng gói vào bao bì giấy 6 lớp bảo vệ của Tetra Pak trên công nghệ máy chiết rót vô trùng hiện đại để ngăn cản sự tái nhiễm của vi khuẩn gây hỏng sản phẩm. Trước khi đóng gói, bao bì sẽ được tiệt trùng hoàn toàn bằng nhiều phương pháp (sử dụng H2O2, chiếu tia cực tím...). Sau khi tiệt trùng sản phẩm và tiệt trùng bao bì phải tránh tối đa sự tái nhiễm khuẩn. Để đạt được điều này, khu vực diễn ra toàn bộ các quá trình trên phải được tiệt trùng và các điều kiện vô trùng này phải được duy trì trong suốt quá trình chiết rót.

Phong Nguyệt