Internet di động - kết nối không giới hạn
Từ khi đăng kí sử dụng gói cước D-com150, mấy tuần nay chị Lan Anh, trợ lý giám đốc một công ty marketing lớn tại Hà Nội, thấy công việc hay di chuyển của mình nhẹ nhàng hơn vì không phải phụ thuộc vào ADSL hay Wi-Fi.
Chị Lan Anh cho hay chiếc USB EG162G dùng công nghệ EDGE giá 800.000 đồng có gài SIM của Viettel, giúp chị kết nối Internet để làm việc một cách dễ dàng ngay cả tại các tỉnh miền núi xa xôi nơi mà chị đi công tác.
“Trước đây, tôi cứ phải chịu khó chờ đến khi tới khách sạn hay quán cà phê có Wi-Fi mới gửi được e-mail cho đối tác và đồng nghiệp”, chị chia sẻ. “Nhưng hiện giờ nỗi lo đó không còn nữa và công việc chạy hơn rất nhiều”.
Thực ra, việc truy cập Internet trên máy tính qua sóng di động không phải là mới ở Việt Nam. Người thạo công nghệ từng biết đến loại thẻ và điện thoại làm modem cho máy tính lướt net của EVN và Sfone từ 3 năm trước với chuẩn EVDO. Tuy nhiên, người dùng phải mua thiết bị khá tốn kém (từ 2- 4 triệu đồng), chưa kể giá cước khá đắt đỏ. Sự yếu thế của mạng CDMA trong bối cảnh chung (nhất là sự ra đi của HT Mobile, từ mạng CDMA chuyển thành GSM với thương hiệu Vietnammobile) cũng khiến nhiều người chưa mặn mà dùng và tìm hiểu dịch vụ giá trị gia tăng này.
Từ năm 2006, các đơn vị cung cấp mạng viễn thông GSM bắt đầu “âm thầm” thử nghiệm bước chuyển tiếp từ 2G sang 3G với công nghệ EDGE (họ gọi nôm na là 2,75G). Đến năm 2008, khi có sự “đổ bộ” của các loại điện thoại di động cao cấp có sẵn EDGE và 3G như iPhone 3G, HTC G1, Blackberry…, EDGE mới được chú ý. Chủ nhân của các thiết bị này khá bất ngờ khi thấy biểu tượng kết nối Internet là chữ E thay cho chữ G (GPRS) mà họ thường sử dụng.
“Mấy tháng gần đây tôi đều kết nối bằng EDGE hầu hết ở mọi nơi trên địa bàn Hà Nội”, anh Thanh, chủ nhân của chiếc HTC G1, cho hay. “Thỉnh thoảng mới thấy báo chữ G. Tốc độ tải các trang web khá nhanh, kể cả những trang có nhiều multimedia, hơn hẳn GPRS”.
Các mạng GSM lớn như MobiFone, Vinaphone, Viettel đang cho người dùng GPRS tự động chuyển sang EDGE miễn phí và tính cước như đối với GPRS. Khái niệm EDGE mới trở nên quen thuộc hơn với người sử dụng khi Bộ Thông tin – Truyền thông công bố 4 đơn vị trúng tuyển 3G vào đầu tháng 4/2009. EDGE được coi là một bước đệm để tiến lên 3G (có thể được các nhà cung cấp dịch vụ triển khai cuối năm nay), đáp ứng nhu cầu kết nối của những người thường xuyên phải di chuyển. Trái với lo lắng của nhiều người là giá cước truy cập EDGE và 3G sẽ cao hơn nhiều GPRS, các nhà mạng cam kết chi phí sẽ ở mức hợp lý, thậm chí rẻ hơn do nhu cầu sử dụng lưu lượng của người dùng tăng lên khi tốc độ truyền tải tăng.
Thực tế, Gói cước DATA mới của Viettel đưa ra cho khách hàng dựa trên tiêu chí đó: tốc độ truyền tải tăng lên dẫn đến tiêu dùng lưu lượng của khách hàng cũng tăng lên, phí lưu lượng rẻ đi để phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ví dụ: trước đây, cước 1kB tải dữ liệu của Viettel trung bình ở mức từ 5-10đ/kB, nay đã giảm xuống còn từ 1-5đ/kB, Viettel cũng đồng thời triển khai các gói cước có dung lượng định mức với mức cước dung lượng định mức khá rẻ. Ví dụ, gói D-com150 trả sau dành cho khách hàng sử dụng USB EDGE kết nối Internet từ máy tính có cước thuê bao 150.000 đồng/tháng, lưu lượng định mức: 3 GB dữ liệu, mỗi kB phát sinh ngoài định mức chỉ là 1 đồng, có thông tin sắp tới nhà mạng này sẽ giảm mức cước ngoài định mức của gói này xuống còn 100đ/MB (giảm xuống 10 lần). Với vùng phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc, ưu thế khi cung cấp dịch vụ này của Viettel là không thể phủ nhận. Anh Khánh, một sinh viên mới ra trường, cho hay anh đã tính lắp đặt mạng ADSL tại nhà đang thuê nhưng vì công việc hay phải chạy đi chạy lại và đi công tác nên dùng Internet di động cho thuận tiện. Nếu sử dụng ADSL bình thường anh cũng phải trả trong khoảng 100 – 200.000 đồng/tháng. Chưa kể những lúc phải thay đổi chỗ ở lại mất phí chuyển địa điểm đấu mạng, thủ tục khá lằng nhằng và mất thời gian.
“Cảm giác có Internet mọi lúc mọi nơi rất thú vị. Tôi rất thích cảnh ngồi giữa cánh đồng viết bài mà vẫn gửi được về cho cơ quan”, anh Cường, một phóng viên dùng dịch vụ Internet di động của Viettel, tâm sự. “Hiện nay trên thị trường có một số nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet di động như thế này, nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ cần chú trọng hơn nữa đến sự ổn định của mạng để công việc của chúng tôi hiệu quả hơn”.