Coi chừng “hớ” khi mua xe sang giá rẻ
Nhiều người cho rằng tậu được xế sang không chính hãng với giá “rất bèo” so với xe chính hãng là một thương vụ rất hời. Tuy nhiên nếu họ biết rõ về những rủi ro đi kèm với chiếc xe sang nhập không chính hãng, họ có thể sẽ phải suy nghĩ lại trước khi quyết định.
Rủi ro đầu tiên mà ai cũng có thể nghĩ đến khi sở hữu xe không chính hãng đó là sẽ không được chấp nhận bảo hành. Chúng ta thường không quan tâm đến vấn đề này vì tin tưởng vào chất lượng vượt trội của một chiếc xe sang không dễ hư hỏng vặt. Tuy nhiên cũng cần phải nhớ rằng hầu hết những xe nhập không chính hãng thường là những xe đã qua sử dụng nên hư hỏng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi một chiếc xe sang không chính hãng bị hư hỏng, nhiều khả năng chủ nhân của nó sẽ phải đến các garage tư nhân để sửa chữa. Các mẫu xe sang thường có cấu tạo phức tạp hơn những mẫu xe phổ thông cho nên đòi hỏi người thợ phải được đạo tạo bài bản, có kinh nghiệm về dòng xe đó thì mới có thể sửa chữa. Chưa kể đến là các garage này thường không có thiết bị kiểm tra chính hãng của dòng xe đó nên rất khó để “chẩn đoán” đúng bệnh.
Các hãng xe sang tại mỗi quốc gia đều đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng đặc điểm giao thông, thời tiết, khí hậu của quốc gia đó trước khi tung ra sản phẩm. Do đó các vật liệu được sử dụng trong các mẫu xe chính hãng tại Việt Nam được cân nhắc về tính phù hợp với đặc điểm môi trường nhiệt đới gió mùa với độ ẩm cao.
Trong khi đó các mẫu xe sang nhập khẩu không chính hãng, phần lớn là từ thị trường Mỹ, được sản xuất dành cho khí hậu lạnh và khô. Nguy cơ hư hỏng phụ tùng xe do thời tiết không tương thích khi lái xe Mỹ chạy ở Việt Nam là rất cao. Khi đó, chủ nhân có lẽ sẽ phải tốn nhiều tiền và thời gian chờ phụ tùng từ nước ngoài chuyển về.
Bên cạnh đó, lỗi hệ thống nhiên liệu cũng là một lỗi thường thấy ở các xe nhập không chính hãng tại Việt Nam. Nguyên nhân là do chất lượng nhiên liệu ở hai khu vực không tương xứng.
Nếu dòng xe gặp lỗi buộc nhà sản xuất phát lệnh triệu hồi thì những chủ nhân của các chiếc xe không chính hãng sẽ phải chịu thiệt thòi do hãng xe chỉ khắc phục cho những xe được triệu hồi thông qua danh sách khách hàng ở hệ thống đại lý chính hãng khắp thế giới.
Ngoài ra có một số hệ thống tiện ích, gói option trên xe có thể bị cắt bỏ trên những mẫu xe nhập khẩu không chính hãng khiến những người sở hữu lâm vào tình trạng ngồi xe sang cũng chẳng tiện nghi hơn xe cỏ bao nhiêu. Một ví dụ là hệ thống điều hướng (Navigation) trên các xe Land Rover chỉ sử dụng được trên các xe nhập chính hãng và bị vô hiệu hóa trên các mẫu xe không chính hãng.
Số tiền chênh lệch khi mua xe sang không chính hãng so với giá niêm yết có thể từ vài trăm triệu lên đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên về dài hạn, chủ nhân xe không chính hãng có thể phải trả rất nhiều tiền cho các dịch vụ sửa chữa, chi phí nhập phụ tùng và cả tâm trạng lo âu khi đang lái xe trên đường. Thường sau một thời gian “vật lộn” với xe sang không chính hãng, các chủ xe sẽ chấp nhận bán lỗ cho các garage.