1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Xavi Hernandez: Huyền thoại đặc biệt nhất của Tây Ban Nha

(Dân trí)- Sau World Cup 2014 đầy thất vọng, tiền vệ xuất sắc Xavi Hernandez đã quyết định chia tay đội tuyển Tây Ban Nha ở tuổi 33, để lại sau lưng những chuỗi ngày vinh quang rực rỡ với vô số danh hiệu cao quý.

Bóng đá Tây Ban Nha có vô số những tài năng xuất chúng trong quá khứ, nhưng họ luôn lỗi hẹn với các danh hiệu cao quý. Chỉ từ khi thế hệ của Xavi với các tài năng khác như Villa, Iniesta, Puyol, Casillas, Silva xuất hiện, Tây Ban Nha mới có thể vươn mình trở thành đội tuyển hàng đầu thế giới.

Trong những năm Xavi ở đỉnh cao của phong độ, Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012. Đó là giai đoạn thứ bóng đá tiqui-taca (hàng tiền vệ sáng tạo, kỹ thuật thường xuyên di chuyển liên tục) và Xavi chính là trái tim, mắt xích quan trọng nhất trong lối chơi đó.

Xavi là nhạc trưởng xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha

Xavi là nhạc trưởng xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha


Ở cả ba giải đấu lớn đó, Xavi luôn là cầu thủ có vai trò cầm nhịp ở giữa sân trong sơ đồ 4-1-4-1. Năm 2008, anh kết hợp cùng Fabregas phía trên Marcos Senna còn ở hai giải đấu sau, anh cùng với Xabi Alonso tạo nên cặp tiền vệ trung tâm hay nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Dù có bất kỳ xáo trộn nào, dưới thời Luis Aragones hay Del Bosque, Xavi luôn là cầu thủ giàu ảnh hưởng nhất ở giữa sân.

Giải đấu lớn đầu tiên mà Xavi góp mặt là ở World Cup 2002, nhưng anh chỉ dự bị cho Pep Guardiola còn ở Euro 2004, anh chưa cạnh tranh nổi vị trí chính thức với Baraja. Chỉ đến World Cup 2006, anh mới có được vị trí chính thức dưới thời Aragones và sau đó, anh chính thức là thủ lĩnh của La Furia Roja.

Sự cống hiến của Xavi thầm lặng hơn so với các đồng đội, anh không dũng mãnh như Puyol, Ramos ở hàng thủ, không được biết đến như Casillas với những pha cản phá xuất thần, không khéo léo như Iniesta và không ghi được các bàn thắng để đời như Villa, Torrres. Nhưng Xavi chính là người duy trì sự sáng tạo và cầm nhịp để cỗ máy đó hoạt động một cách trơn tru.

Xavi đã thi đấu tổng cộng 4 kỳ World Cup và 3 kỳ Euro, thi đấu 113 trận đấu trong màu áo đội tuyển, ghi được 13 bàn thắng. Dù không quá nổi bật trên sân nhưng như nhiều chuyên gia Tây Ban Nha nhận định, sự khác biệt của La Furia Roja giai đoạn 2008-2012 năm ở Xavi, người đạo diễn xuất sắc của chất bóng đá vị nghệ thuật tiqui-taca vĩ đại.

Cùng với Casillas, Ramos, Xabi Alonso, Iniesta, Fabregas, David Silva và Torres, Xavi giành đủ 3 danh hiệu cao quý nhất cùng đội tuyển Tây Ban Nha. Họ được coi là 8 “chàng ngự lâm” huyền thoại của nền bóng đá xứ sở bò tót, những nhân tố đặc biệt để gây dựng một đế chế vĩ đại cho nền bóng đá Nam Âu.

Xavi chia tay đội tuyển Tây Ban Nha ở tuổi 33

Xavi chia tay đội tuyển Tây Ban Nha ở tuổi 33

Tây Ban Nha không có những ngôi sao nổi bật như Maradona, Pele nên trong giai đoạn thành công, họ khó tìm được cầu thủ xuất sắc nhất. Casillas được nhắc đến với băng thủ quân, Villa nổi bật với chiến tích tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất, Iniesta luôn bùng nổ ở thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, chính Xavi với là cầu thủ giàu ảnh hưởng nhất và được ca ngợi nhất nhờ tư chất thủ lĩnh, sự điềm đạm cùng chất đặc biệt của một tiền vệ huyền thoại.

Tây Ban Nha bị loại ở vòng bảng World Cup 2014 khi Xavi đã không còn ở đỉnh cao phong độ, những cầu thủ được Del Bosque chọn thay thế ở đội hình chính là như Koke, Silva không đáp ứng được kỳ vọng. Và khi đã mất đi linh hồn, La Furia Roja thảm bại thê thảm trên đất Brazil.

Lần đầu tiên Xavi ra mắt là ở trận gặp Hà Lan năm 2000 và 14 năm sau, anh quyết định chia tay ĐTQG cũng sau trận đấu gặp Hà Lan ở World Cup 2014. Một sự chia ly để nhiều tiếc nuổi bởi sau Xabi Alonso, Puyol, một huyền thoại nữa chia tay ĐTQG.

Với HLV Del Bosque, tìm được người thay thế vai trò của Xavi lúc này là điều không dễ dàng và mọi kỳ vọng sẽ được đặt lên vai Koke, Fabregas hoặc Andres Iniesta. Tạm biệt Xavi, huyền thoại đặc biệt nhất trong thế hệ vĩ đại của bóng đá xứ sở bò tót.

Kiều My