Xuân Trường lần đầu tiết lộ bị bệnh tim, phải giấu HAGL vì sợ bị loại
(Dân trí) - Trên kênh podcast cá nhân, Xuân Trường tiết lộ nhiều góc khuất. Trong đó, cầu thủ này từng giấu chuyện bị bệnh tim vì sợ bị loại khỏi học viện của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Trong tập 5 series podcast mang tên "Lương Xuân Trường - The Story", Xuân Trường tiết lộ nhiều góc khuất. Trong đó, cầu thủ này thừa nhận từng gặp vấn đề liên quan tới tim mạch. Dù vậy, anh đã quyết định giấu CLB HAGL vì sợ bị loại khỏi học viện.
Xuân Trường chia sẻ: "Từ lúc còn là cầu thủ trẻ 16-17 tuổi, tôi đã phát hiện ra vấn đề này. Khi thực hiện một động tác nào đó khiến cơ thể của tôi bị hẫng một cái thì nhịp tim của tôi sẽ bị rơi vào tình trạng đánh trống ngực, nhịp đập tăng nhanh lên gấp đôi.
Sau này, tôi mới biết đây là hiện tượng cơn nhịp nhanh trên thất, là triệu chứng của rối loạn nhịp tim. Tình trạng này thường diễn ra trong lúc tôi tập luyện.
Nhiều lúc trên sân tập Hàm Rồng, tôi đã bị rơi vào trạng thái ấy. Nếu lúc đó tôi vẫn cố gắng tập căng thì thật sự không biết điều gì sẽ xảy ra. Khi ấy, tôi có một vài lần nói chuyện với các bác sĩ HAGL, một bác sĩ nói: "Lúc tập luyện nhịp tim tăng lên là bình thường, không có vấn đề gì và cũng khó để kiểm tra ngay bây giờ. Nếu cần thì phải ra các bệnh viện lớn ở Hà Nội mới kiểm tra được".
Tôi đã bí mật trao đổi với thầy Giôm (HLV Guillaume Graechen). Thầy đã sắp xếp cho anh Trí phiên dịch đi cùng tôi ra Hà Nội hai ngày để kiểm tra. Tôi đã thực hiện đủ các bài test, nhưng không làm cách nào để cho cơ thể mình rơi vào trạng thái đó được. Nếu kết quả mọi thứ vẫn bình thường, không vấn đề gì cả nhưng tôi biết mọi thứ không đơn giản như vậy".
Xuân Trường chia sẻ thêm: "Mỗi lần tôi bị như thế, cách duy nhất để triệu chứng ấy giảm đi là mình phải nằm ngửa ra, hít thở sâu và đều. Khi đó nhịp tim đang từ khoảng 180, kêu bụp bụp bụp liên tục rồi sẽ giảm dần, chậm lại rồi trở lại như bình thường. Còn nếu tiếp tục tập luyện, tôi cảm thấy rất mệt. Mỗi lần bị như vậy xong tôi thấy cơ thể rất oải, chỉ muốn nghỉ ngay nhưng vẫn chọn cố hoàn thành nốt buổi tập.
Với một vận động viên, vấn đề về tim mạch vô cùng nhạy cảm. Thường thì các vận động viên sẽ phải dừng sự nghiệp nếu bị phát hiện vấn đề tim mạch. Tôi rất sợ các thầy không cho mình chơi bóng nữa và bị loại khỏi học viện. Do đó, tôi quyết định giấu việc này.
Thường khi rơi vào trạng thái đó trong lúc tập, tôi sẽ xin đi vệ sinh. Nhiều hôm vào phòng vệ sinh, tôi nằm luôn xuống sàn nhà. Có lúc nhịp tim giảm, có lúc không giảm xuống được và tôi buộc phải duy trì hết buổi tập".
Xuân Trường thừa nhận vấn đề tim mạch lại xuất hiện khi sang thi đấu ở Incheon United (Hàn Quốc). Anh nói: "Có một thời điểm, tình trạng đó cứ diễn ra liên tục. Ở Incheon United, tôi lại càng ngại xin ra ngoài trong mỗi buổi tập.
Một hôm, tôi nhận thấy vấn đề nặng lên rất nhiều, bởi nó diễn ra trong 3 tiếng liên tục ngày hôm trước đến lúc tôi về nhà, tôi vẫn cảm thấy nhịp tim đập khác thường. Hôm đó, khi tập luyện cùng đội B, tôi cảm thấy gặp vấn đề nên đã nằm ra sân luôn. Cũng may là tập luyện ở đội B nên đỡ ngại hơn.
Mọi người hỏi thăm thì tôi vẫn nói dối là gặp vấn đề về dạ dày. Tuy nhiên, sau khi nằm ra sân, tình hình vẫn không thay đổi. Thế là tôi đánh liều thú nhận sự thật luôn với nhân viên y tế của đội: "Tôi bị vấn đề này từ lâu rồi. Nhịp tim của tôi nhanh bất thường. Anh có thể đưa tôi tới bệnh viện kiểm tra được không?".
Cũng may là đội ngũ y tế ở Hàn Quốc rất khá tiếng Anh và họ cũng hiểu tình trạng của tôi. Do đó, tôi đã ngay lập tức được đưa vào bệnh viện kiểm tra. Khi vào phòng cấp cứu, tôi đã chọn không nằm xuống mà chỉ ngồi vì sợ nếu ngồi xuống thì cơn nhịp nhanh đó sẽ biến mất và các bác sĩ sẽ không bắt được triệu chứng này.
Rất may, các bác sĩ đã phát hiện ra, mình phải mổ nội soi để xử lý triệt để. Sau khi chữa trị, tôi chỉ mất hai tuần để hồi phục sức khỏe để trở lại tập luyện và thi đấu bình thường. Từ đó đến bây giờ, tôi không rơi vào trạng thái đó lần nào nữa. Không quá khi nói, Incheon đã hồi sinh Xuân Trường".
Trong tập podcast này, Xuân Trường kể về thời gian thi đấu ở Hàn Quốc cho Incheon United và Gangwon. Anh chia sẻ: "Thời gian đầu ở Incheon United, hầu như tôi không được sử dụng mà chỉ tập ở đội hình B. Đó là nhóm cầu thủ ít có tên trong danh sách đăng ký thi đấu. Phải đến giai đoạn cuối của mùa giải khi trợ lí HLV Lee Ki Hyung lên thay, ông đã sử dụng tôi nhiều hơn bởi vì tôi đáp ứng được chiến thuật.
Mùa giải sau đó, tôi đã chuyển đến Gangwon với kì vọng, mục tiêu và tham vọng đặt ra cho bản thân cao hơn. Nhưng khi làm việc với các HLV có lối chơi thiên về sức mạnh và bóng dài, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã lần đầu tiên được trải nghiệm lịch tập 4 buổi/ngày. Cơ thể tôi giống như bị đánh một trận no đòn. Tôi cũng bị chấn thương liên miên xuyên suốt cả mùa giải.
Giá mà tôi quyết định ở lại với Incheon cho mùa bóng tiếp theo thì tôi tin rằng, quãng thời gian của bản thân tại K.League có thể đã trở nên ngọt ngào hơn. Tuy nhiên, đúng là phải trải qua những lựa chọn không đúng thì mới nhận ra được mình sai ở chỗ nào".
Xuân Trường từng có giai đoạn sang Thái Lan khoác áo CLB Buriram United. Tiền vệ này có cái nhìn tổng quan về hai nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan: "Trình độ tại Thai-League không hơn nhiều so với Việt Nam. Nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam có rất nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, cầu thủ Thái Lan có lẽ hơn đồng nghiệp Việt Nam ở bản lĩnh và phong thái chơi bóng ung dung và đĩnh đạc.
Các CLB của Thái Lan cũng làm hình ảnh khá tốt, có nhiều hoạt động để giúp đội bóng trở nên chuyên nghiệp và gần gũi với khán giả hơn. Cá nhân tôi luôn nhận định là bóng đá Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam, chưa biết bỏ xa đến đâu nhưng họ đang ở phía trước. Nếu chúng ta không có hành động cụ thể nào thì khoảng cách sẽ càng ngày càng xa".