1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vui buồn chuyện thưởng Tết của VĐV Việt Nam

(Dân trí)-Năm nào cũng vậy, chuyện thưởng tết với các VĐV vẫn là những câu chuyện vui buồn khác nhau. Năm nay, với những VĐV đạt huy chương tại SEA Games, niềm vui của họ không nhỏ xung quanh những khoản tiền thưởng, nhưng phần lớn còn lại đều gần như “không có gì”…

Một tin vui với các VĐV nước nhà khi ngay trước Tết ít ngày, tiền thưởng SEA Games đã được Bộ Tài chính giải ngân. Trước đó, tiền thưởng SEA Games được Tổng cục TDTT trình lên Bộ Tài chính, với mức tiền thưởng khoảng gần 20 tỷ đồng. Theo quy định, các VĐV đoạt thành tích tại SEA Games sẽ có mức thưởng tương ứng là 45 triệu đồng, 25 và 20 cho những tấm HCV, HCB và HCĐ. Ngoài ra, mức thưởng nóng là 6 triệu đồng/HCV, 4 triệu đồng/HCB và 2 triệu đồng/HCĐ. Mỗi kỷ lục SEA Games thưởng 15 triệu đồng.
 
Không phải VĐV nào cũng có thành tích để nhận thưởng Tết cao

Không phải VĐV nào cũng có thành tích để nhận thưởng Tết cao

Ngoài ra, các HLV cũng được thưởng với mức bằng với VĐV theo nguyên tắc HLV trực tiếp huấn luyện đội tuyển nhận 60%, trực tiếp đào tạo tại cơ sở trước khi tham gia đội tuyển là 40%.

Được biết, Bộ tài chính mới chỉ giải ngân được 11,975 tỷ đồng cho các VĐV. Phải ra Tết, các HLV và các VĐV Người khuyết tật mới được nhận nốt số tiền thưởng còn lại. Dù sao thì đây cũng là một tin tốt đẹp với các VĐV và chắc chắn họ sẽ có một cái Tết nhiều ý nghĩa.

Trong số hơn 500 VĐV Việt Nam tại SEA Games năm nay, tiền thưởng có lẽ không ai nhiều bằng kình ngư Ánh Viên. Với thành tích giành 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ và 2 kỷ lục bộ môn bơi lội, Nguyễn Thị Ánh Viên chính là VĐV thi đấu xuất sắc ở SEA Games năm nay. Với thành tích trên, Ánh Viên sẽ nhận được số tiền thưởng theo quy định là 235 triệu đồng.Ngoài ra, cô gái quê Cần Thơ còn nhận thêm 28 triệu tiền thưởng nóng, chưa kể tiền thưởng của đơn vị chủ quản tại quê nhà. Như vậy, tổng số tiền thưởng với riêng cá nhân Ánh Viên sẽ vào khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Đáng chú ý hơn, Ánh Viên còn được Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 đặc cách phong làm thượng úy và đề xuất trao tặng Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước.

“Nữ hoàng đi bộ” Phạm Thị Bình ngoài tiền thưởng 45 triệu đồng theo quy định Nhà nước với tấm HCV, còn nhận thêm tiền thưởng nóng hơn 50 triệu đồng từ đơn vị Quảng Ngãi và các doanh nghiệp ở tỉnh nhà. Những VĐV đoạt 2 HCV như Vũ Thị Hương, Nguyễn Văn Lai, Đỗ Thị Thảo (điền kinh), Trường Sơn (cờ vua), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)…cũng nhận mức thưởng hơn 100 triệu đồng.

Tiền thưởng tập thể lớn nhất chính là đội tuyển bóng đá nữ. Dù chỉ giành HCB nhưng tiền thưởng cho thầy trò HLV Trần Vân Phát được nhận khoảng 3 tỷ đồng từ VFF.

Tiền thưởng SEA Games nghe thì hoành tráng, nhưng không phải VĐV nào cũng có may mắn có thành tích để được thưởng. Với các VĐV thành tích cao, năm đó có Đại hội thể thao lớn mới may ra có tiền mang về gia đình, như năm nay có SEA Games 27. Đó là những VĐV có thành tích nên ít nhiều còn có “của để dành”. Còn lại, với đa phần các VĐV, chỉ được hưởng lương bình thường theo chế độ Nhà nước hay địa phương. Với các VĐV trẻ thậm chí còn “thảm” hơn, khi không được bất cứ khoản nào.

Có những VĐV sau nhiều năm thi đấu thể thao vẫn buồn rầu nói rằng: “Thưởng Tết là gì ạ? Bao nhiêu năm tập luyện, bọn em chưa bao giờ được nhận khoản này. Nếu năm nào có sự kiện thể thao lớn, bọn em cố gắng tập luyện và giành huy chương thì còn có tiền thưởng theo quy định. Còn rơi vào năm không có sự kiện gì thì coi như tập chay”. Không có tiền thưởng tết trên tuyển, các VĐV cũng chỉ biết hy vọng vào chế độ của các đơn vị chủ quản. Tuy nhiên với những VĐV thuộc các môn thể thao, dù là ở cấp độ đội tuyển thì cũng chỉ dao động vài trăm ngàn đồng, cá biệt có những trường hợp chỉ được nhận gói kẹo, cái bánh chưng…

Một VĐV tâm sự: “Tập luyện, thi đấu quanh năm nhưng nếu không có huy chương thi buồn lắm. Tết đến, ai cũng háo hức muốn về nhưng chẳng mấy ai có vài triệu biếu bố mẹ hay mua quần áo mới cho các em”.

Cũng theo VĐV này, thường các đội tuyển được nghỉ Tết khoảng 1 tuần. Với những VĐV nhà gần thì về ăn Tết cùng gia đình, chứ những VĐV ở xa, có năm phải ở lại trung tâm vì đi lại tốn kém. Với đa phần các VĐV, đều về nhà với cảm giác ngậm ngùi, tủi thân vì công sức bỏ ra cả năm trời, chẳng được đền đáp bao nhiêu.

Thưởng Tết với các VĐV bao năm qua vẫn là những câu chuyện vui ít, buồn nhiều. Nghiệp VĐV thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ nhưng ngay cả cái Tết, cũng không được như mặt bằng chung của xã hội. Thế mới thấy, trong hoàn cảnh đó mà các VĐV vẫn nỗ lực tập luyện, rồi mang vinh quang về cho Tổ quốc, thật đáng quý và trân trọng.

Hà Nguyên