1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VPF tổ chức cho các CLB “du học”: Không sai ý nghĩa nhưng không đúng quy trình

(Dân trí) - Chuyện du học bình thường, du học trong bóng đá càng nên thực hiện. Chỉ có điều, vấn đề nằm ở đối tượng đi du học và hiệu quả của chuyến du học đấy. Vả lại, ngay cả khi đi du học thì không phải nhu cầu của CLB nào cũng giống CLB nào.

Học là cần thiết, nhưng học như thế nào?

VPF lên kế hoạch cho đại các CLB đi du học tại Đức. Về lý thuyết, đây là địa điểm lý tưởng cho việc học hỏi quá trình phát triển bóng đá, phát triển CLB. Bóng đá Đức hiện là nền bóng đá có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất, có nền tảng các CLB hoạt động hiệu quả, thu hút được lượng người xem trung bình đông đảo nhất, khả năng sinh lời từ bóng đá cũng thuộc vào loại nhất châu Âu và thế giới.

Bên cạnh sự phát triển vượt bậc về trình độ bóng đá, về lợi nhuận khai thác từ bóng đá, các CLB của Đức vẫn giữ được tính địa phương, cũng như yếu tố màu có sắc áo. Đấy là lại chi tiết khác mà bóng đá Việt Nam tầm CLB cần học hỏi, trong giai đoạn mà chúng ta cứ hễ giao đội bóng cho doanh nghiệp để tìm nguồn tiền thì dễ mất tính đại chúng, trong khi muốn giữ lại tính địa phương thì lại lo không có tiền.

Một nền bóng đá như nền bóng đá Đức, một giải vô địch như giải Bundesliga, cùng một hệ thống giải đấu cực kỳ quy củ của người Đức là điều mà bóng đá Việt Nam, các CLB bóng đá Việt Nam nếu học được, áp dụng được sẽ phát triển rất xa.

Các chuyến du học do VPF tổ chức mấy năm gần đây chưa mang lại hiệu quả
Các chuyến du học do VPF tổ chức mấy năm gần đây chưa mang lại hiệu quả

Nhưng vấn đề của VPF và các chuyến du học do VPF tổ chức mấy năm qua luôn nằm ở chỗ đấy: Đối tượng đi học và hiệu quả thật sự của các chuyến đi đến đâu?

Về cơ bản, các CLB thuộc V-League và các đội bóng hạng Nhất có quy mô phát triển khác nhau, nên nhu cầu đi du học cũng khác nhau. Rồi trong từng CLB thuộc V-League, quy mô của từng đội bóng, tiềm lực tài chính, tiềm năng phát triển và năng lực quản lý, năng lực triển khai các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp cũng khác nhau.

Thành ra, nhu cầu thực sự về chuyện tìm hiểu thông tin và phạm vi học hỏi, phạm vị triển khai những điều được học hỏi từ bóng đá Đức, từ các CLB Đức, hay từ bất cứ nền bóng đá nào kiểu Nhật Bản hay Hàn Quốc (như ở các chuyến đi trước đó) cũng hoàn toàn khác nhau.

Chính vì vậy, việc VPF “đổ đồng” toàn bộ 24 CLB từ V-League đến hạng Nhất trong chung một chuyến đi, với lịch trình làm việc như nhau, với các điểm đến giống hệt nhau ở các chuyến “du học” tự thân việc đấy đã không mang lại hiệu quả sát sườn đối với từng CLB.

Đối tượng đi du học theo VPF lại là một vấn đề khác cần bàn. Đa số những người xuất hiện trong các chuyến đi cùng VPF thường không phải là những người nắm toàn quyền tại các CLB, nên có đi về cũng không thể thay đổi được hệ thống phát triển của CLB. Thành ra, bản thân những người đi du học chẳng khác nào đi... du lịch.

Đừng lãng phí

Vả lại, thật ra thì tiền cho các chuyến đi du học của VPF là tiền của các CLB, được trích ra từ phần đóng góp hàng năm của chính các CLB cho VPF, nên nếu hợp lý, chuyện đi du học hay không, ai đi, đi đâu, đi như thế nào và đi bao lâu, VPF nên để cho từng CLB chủ động hoàn toàn về như sự, về lịch trình, cũng như về thời gian mà đại diện của các CLB ra nước ngoài du học.

VPF nên chỉ dừng ở mức liên hệ nơi đến cho các CLB, dành sự chủ động về kế hoạch và về thời gian cho đại diện các đội bóng, thay vì đóng vai nhà tổ chức
VPF nên chỉ dừng ở mức liên hệ nơi đến cho các CLB, dành sự chủ động về kế hoạch và về thời gian cho đại diện các đội bóng, thay vì đóng vai nhà tổ chức

VPF nếu tham gia vào quá trình du học của các đội bóng, chỉ nên dừng ở mức trở thành đầu mối liên hệ với hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp nước ngoài, với các CLB nước ngoài mà các đội bóng trong nước có nhu cầu học hỏi. Chứ VPF không nên đóng vai trò là người tổ chức chuyến đi, vừa dễ mang tiếng xài tiền của các CLB (tức các cổ đông), vừa vô ích.

Việc học càng không thể là việc “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ bằng vài ngày ngắn ngủi là có thể mang cái tiên tiến của bóng đá chuyên nghiệp thế giới về áp dụng vào bóng đá nội ngay được.

Chính vì vậy, các CLB càng cần có sự chủ động trong vấn đề này, chủ động về mặt kế hoạch, về mặt kinh phí và về mặt thời gian (có thể mất vài năm trời như một số người điều hành bóng đá Thái Lan từng thực hiện, trước khi giải Thai-League có phiên bản như ngày nay) để cử người đi cho đáng một chuyến đi, học cho ra học.

Đấy là chưa nói đến chuyện, không phải đội bóng nào ở Việt Nam cũng độc lập hoàn toàn với nguồn kinh phí địa phương, mà nhiều CLB mỗi năm vẫn có phần tiền hỗ trợ cực lớn từ ngân sách của từng tỉnh. Thế nên, việc chi tiền của địa phương, tiền từ thuế của dân cho các chuyến du học nước ngoài nhưng chưa mang lại hiệu quả lại là việc làm cần tính toán kỹ!

Trọng Vũ

VPF tổ chức cho các CLB “du học”: Không sai ý nghĩa nhưng không đúng quy trình - 3